Bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em là tình trạng sức khỏe rất thường gặp. Theo thống kê, mỗi năm, trẻ dưới 2 tuổi có thể bị tiêu chảy từ 2 đến 3 đợt. Tuy nhiên, đừng vì vậy mà bạn lơ là, chủ quan trong việc điều trị bởi căn bệnh này rất dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm khó lường.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng công bố, tiêu chảy là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ em tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Thế nhưng, hiện nay có rất nhiều lời khuyên sai lầm về việc chăm sóc và điều trị tiêu chảy cho trẻ nhỏ. Do đó, khi nghe bất cứ lời khuyên nào, bạn cũng cần tìm hiểu thật kỹ và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định áp dụng cho bé yêu.

Tiêu chảy cấp – Căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ

Tiêu chảy là tình trạng đi tiêu với phân lỏng nhiều hơn 3 lần/ngày. Cụ thể, căn bệnh này còn có thể khiến trẻ đi tiêu phân lỏng như nước, phân có chứa dịch nhầy, phân có hạt lợn cợn và có màu lạ. Bên cạnh đó, trẻ còn có thể bị són liên tục. Tuy nhiên, định nghĩa này cũng không đúng với mọi trường hợp. Để xác định chính xác bé có bị bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em hay không, bạn cần dựa vào: 

  • Tần suất đi tiêu: Trẻ sơ sinh đi tiêu từ 3 đến 10 lần mỗi ngày là điều bình thường và điều này thay đổi tùy theo chế độ ăn của trẻ (trẻ bú sữa mẹ thường có số lần đi tiêu nhiều hơn). Trẻ được xem là bị tiêu chảy cấp nếu tần suất đi tiêu tăng lên gấp đôi so với số lần đi tiêu thông thường mỗi ngày.
  • Hình dạng và màu sắc của phân: Yếu tố này sẽ thay đổi theo độ tuổi của trẻ. Trẻ sơ sinh, đặc biệt là những bé bú mẹ, thường đi tiêu phân mềm, có thể có màu vàng, xanh lá cây hoặc nâu và thỉnh thoảng sẽ có hạt lợn cợn. Tuy nhiên, nếu bé đi tiêu phân lỏng hoặc nhớt bất thường, phân có màu đen hoặc phân có lẫn máu, bạn cần đưa trẻ đi khám và theo dõi kỹ.

Nguyên nhân phổ biến nhất khiến bé bị bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em là do nhiễm virus. Rota virus là “thủ phạm” chính gây tiêu chảy nặng và đe dọa tính mạng trẻ dưới 2 tuổi. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn, uống kháng sinh bị tiêu chảy (tác dụng phụ của kháng sinh) và các bệnh nhiễm trùng không liên quan đến hệ tiêu hóa (GI). 

Tiêu chảy cấp là bệnh rất dễ lây qua đường tiêu hóa nếu trẻ ăn phải thức ăn hoặc uống nước nhiễm virus, vi khuẩn gây bệnh. Trẻ nhỏ bị tiêu chảy cấp nhiều nhất là trong 2 năm đầu đời bởi ở giai đoạn này, các bé sẽ dễ bị nhiễm khuẩn khi cho tay vào miệng. Bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em thường diễn ra trong thời gian ngắn, khoảng dưới 7 ngày và kéo dài không quá 14 ngày.

Biến chứng thường gặp của bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em mà cha mẹ cần lưu ý

Nếu không được chăm sóc đúng cách, việc mắc bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em sẽ khiến bé có nguy cơ gặp phải các biến chứng sau:

  • Mất nước nặng: Đây là biến chứng thường gặp nhất và có thể dẫn đến tử vong nếu không được bù nước kịp thời. 
  • Suy thận cấp: Tình trạng mất nước do tiêu chảy có thể làm cho chức năng thận bị suy giảm, mức lọc cầu thận giảm sút hoàn toàn, ure máu tăng dần và có thể dẫn đến tử vong. 
  • Suy dinh dưỡng: Trong thời gian bị tiêu chảy, nếu không có chế độ dinh dưỡng phù hợp, các bé rất dễ bị suy dinh dưỡng, làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ trong tương lai.

Để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm kể trên, ngay khi trẻ có dấu hiệu bị tiêu chảy cấp, bạn cần cho trẻ uống nhiều nước, chú ý đến chế độ ăn. Đồng thời, theo dõi sát sao việc đi tiêu, chẳng hạn trẻ đi bao nhiêu lần, lượng phân mỗi lần nhiều hay ít, phân như thế nào và biểu hiện của trẻ. Nếu số lần đi tiêu tăng cao và đi kèm với các triệu chứng như sốt cao, nôn, mặt tái nhợt, trẻ không ăn uống, người lả đi… bạn cần đưa con đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Một số sai lầm phổ biến trong việc chăm sóc, cách điều trị bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em

Khi trẻ bị tiêu chảy, mẹ sẽ nhận được rất nhiều lời khuyên khác nhau trong việc chăm sóc và điều trị cho trẻ. Tuy nhiên, không phải lời khuyên nào cũng đúng, thậm chí có những lời khuyên sai lầm mà nếu áp dụng có thể khiến tình trạng bệnh của trẻ trở nên nặng hơn. Dưới đây là một số sai lầm phổ biến trong việc chăm sóc, trong cách điều điều trị bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em mà cha mẹ hay mắc phải: 

1. Bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em: Cần kiêng cữ trong ăn uống và chỉ cho trẻ ăn cháo trắng với muối

Rất nhiều cha mẹ cho rằng trẻ bị tiêu chảy cấp thì cần ăn uống kiêng cữ để dễ tiêu hóa. Nếu bạn cũng có suy nghĩ này, hãy quên ngay lập tức bởi điều này hết sức sai lầm. Nguyên nhân là do bên cạnh những phần ruột bị tổn thương thì sẽ có những phần ruột khỏe mạnh vẫn hấp thu được nước và chất dinh dưỡng. Chính vì vậy, bạn cần duy trì chế độ ăn như bình thường và cho trẻ uống nhiều nước hơn để tránh mất nước, kiệt sức và suy dinh dưỡng.

Với những bé đang bú mẹ, bạn vẫn nên tiếp tục duy trì việc cho bé bú trừ khi có yêu cầu đặc biệt từ bác sĩ. Với những trẻ đã ăn dặm, khi cho trẻ ăn, bạn nên chia các bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ để giảm nguy cơ nôn mửa.

Ngoài ra, khi thấy trẻ bị tiêu chảy, bạn cũng không nên tự ý đổi sữa cho bé trừ khi bạn thấy trẻ bị tiêu chảy nặng hơn do không dung nạp được lactose có trong sữa. Sữa có thể không phải là nguyên nhân khiến trẻ bị bệnh. Nếu bạn đổi, trẻ có thể không quen với sữa mới mà bỏ bú, điều này càng khiến trẻ dễ gặp phải biến chứng.

2. Không cho trẻ uống nước vì sợ trẻ tiêu chảy nhiều hơn

Nước không làm tình trạng tiêu chảy cấp trở nên nặng hơn bởi “thủ phạm” chính khiến trẻ đi tiêu nhiều là do ruột bị kích thích. Ngược lại, bạn sẽ cần bổ sung nước cho trẻ nhiều hơn bởi việc đi tiêu quá nhiều có thể khiến cơ thể bị thiếu nước một cách nghiêm trọng. Không những vậy, các cơ quan khác trong cơ thể và phần ruột chưa bị nhiễm khuẩn cũng cần nước và chất dinh dưỡng để duy trì hoạt động. Bạn có thể cho trẻ uống nhiều nước lọc, nước hoa quả hoặc ăn nhiều trái cây để cảm thấy khỏe khoắn và thoải mái hơn.

3. Sai lầm trong cách chữa bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em: Tự ý cho trẻ dùng thuốc cầm tiêu chảy và thuốc kháng sinh

Thấy con đi tiêu không ngừng, nhiều cha mẹ cảm thấy xót nên tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ uống. Tuy nhiên, đây là một trong những sai lầm thường gặp nhất khi điều trị tiêu chảy. Bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em thường là do đường ruột bị nhiễm khuẩn, nhiễm virus. Việc trẻ đi tiêu thường xuyên là cách để cơ thể đào thải độc tố, vi khuẩn ra ngoài. Nếu cho trẻ uống thuốc cầm tiêu chảy, quá trình đào thải này sẽ bị cản trở, từ đó vi khuẩn và chất độc sẽ tích tụ lại trong ruột.

Không những vậy, các loại thuốc có tác dụng cầm tiêu chảy còn làm giảm nhu động ruột khiến phân không thải ra ngoài được. Điều này có nghĩa là trẻ vẫn đang bị tiêu chảy nhưng lại không thể thải phân ra ngoài. Tình trạng này nếu để lâu sẽ khiến phân bị dồn ứ trong ruột, gây đau bụng, viêm ruột, tắc ruột và thậm chí là tử vong.

Bên cạnh thuốc cầm tiêu chảy, bạn cũng không nên cho trẻ dùng kháng sinh nếu không có chỉ định của bác sĩ. Nguyên nhân là do kháng sinh chỉ tiêu diệt được vi khuẩn, nếu trẻ bị tiêu chảy do virus, ngộ độc thực phẩm hoặc do tác dụng phụ của thuốc thì việc dùng kháng sinh sẽ không có hiệu quả. Việc lạm dụng kháng sinh không chỉ khiến trẻ có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ mà còn có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, khiến thuốc không còn hoạt động tốt để tiêu diệt vi khuẩn.

Trên đây là những biến chứng thường gặp và sai lầm phổ biến về bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ mà bạn nên chú ý. Trong quá trình điều trị, theo dõi và chăm sóc trẻ tại nhà, nếu có bất cứ dấu hiệu nào bất thường, bạn cần đưa trẻ đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

banner Normagut
Theo Hellobacsi