Hầu hết mọi chuyên gia đều đồng ý rằng y tế số đã bùng nổ mạnh nhờ dịch Covid-19. Hãng Doctolib của Pháp cho biết số video tư vấn y tế tại Châu Âu trong năm 2020 đã tăng 100 lần từ 1.000 lên 100.000 clip/ngày.

Vào tháng 1/2019, Giám đốc Stephen Klasko của bệnh viện Jefferson Health tại bang Philadelphia đã nói chuyện với một giám đốc ngân hàng. Người bạn ngành tài chính này cho rằng cách đây 20 năm, cả mảng y tế lẫn ngân hàng đều lạc hậu trong cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu. Thế nhưng hiện giờ ông cho rằng chỉ có ngành y tế là vẫn còn chậm chân trong xu thế công nghệ.

Trên thực tế, báo cáo của McKinsey Global Institute cho thấy đúng là ngành y tế tụt hậu lại so với hầu hết mọi mảng khác trong lĩnh vực công nghệ số, từ ngân hàng, du lịch, bán lẻ cho đến thậm chí là hậu cần đóng gói. Khoảng 70% số bệnh viện Mỹ hiện nay vẫn gửi bệnh án quá máy fax hoặc bưu thư dù Internet đã vô cùng phát triển.

Thậm chí tại Tây Ban Nha, giám đốc một bệnh viện lớn ở thủ đô Madrid đã phải than phiền rằng chẳng có lấy một hệ thống chia sẻ thông tin số nào trên cả nước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Thế nhưng, cũng chính dịch Covid-19 đã tạo nên cơ hội mới tại thị trường nghìn tỷ USD này cho các nhà khởi nghiệp. Với số lượng bệnh nhân tăng cao đột biến, các bác sĩ, chuyên gia hay thậm chí chính người bệnh cũng dần thoải mái hơn khi áp dụng công nghệ số vào chữa trị. Hàng loạt startup cũng gia nhập thị trường, từ ứng dụng đo lường sức khỏe đến bảo hiểm, mua thuốc trực tuyến cho đến tư vấn online.

Bình minh của ngành y tế trực tuyến: Dịch Covid-19 đã tạo nên cơ hội nghìn tỷ USD cho các nhà khởi nghiệp - Ảnh 1.
Tổng thị trường y tế số (tỷ USD)

Nhiều ông lớn như Amazon, Apple hay Google cũng nhanh chân nhảy vào mảng này khi nhận thấy tiềm năng của chúng. Suy cho cùng, y tế là mảng còn lại duy nhất lạc hậu về công nghệ số so với những ngành khác và cũng là vùng đất tiềm năng hiếm hoi còn sót lại chưa được các tập đoàn công nghệ khai phá hết.

Thị trường nghìn tỷ USD

Báo cáo của McKinsey ước tính doanh thu từ thị trường y tế số có thể tăng từ 350 tỷ USD năm 2019 lên 600 tỷ USD năm 2024. Con số này có thể lên đến hàng nghìn tỷ USD khi những thị trường chăm sóc sức khỏe như Mỹ có trị giá 3,6 nghìn tỷ USD hoàn toàn chuyển đổi số. Điều tương tự cũng diễn ra tại Trung Quốc, Châu Âu và nhiều nước khác khi y tế số dần trở thành phong trào sau đại dịch Covid-19.

Tờ Economist cho biết các dòng vốn đang tích cực đổ vào mảng y tế số. Số liệu của hãng nghiên cứu CB Insights cho thấy đã có 8,4 nghìn tỷ USD đổ vào cổ phiếu các hãng y tế số trong quý III/2020, một con số kỷ lục và cao hơn 100% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, báo cáo của HolonIQ cho thấy tổng giá trị những kỳ lân trong ngành y tế số, nghĩa là những startup được định giá trên 1 tỷ USD, hiện đã có tổng giá trị hơn 110 tỷ USD.

Vào tháng 9/2020, ứng dụng y tế số AmWell được Google rót vốn 100 triệu USD trước đó đã thu về 742 triệu USD trong lần đầu phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Tổng giá trị vốn hóa của hãng hiện vào khoảng 6 tỷ USD.

Tháng 12/2020, startup y tế số JD Health liên kết với JD.com đã IPO với 3,5 tỷ USD, trở thành vụ IPO lớn thứ 2 trên sàn chứng khoán Hong Kong trong năm nay.

Hầu hết mọi chuyên gia đều đồng ý rằng y tế số đã bùng nổ mạnh nhờ dịch Covid-19. Hãng Doctolib của Pháp cho biết số video tư vấn y tế tại Châu Âu trong năm 2020 đã tăng 100 lần từ 1.000 lên 100.000 clip/ngày.

Ứng dụng bảo hiểm Ping An Good Doctor của Trung Quốc hiện cũng đang hướng đến thị trường Đông Nam Á khi liên kết với Grab.

Bình minh của ngành y tế trực tuyến: Dịch Covid-19 đã tạo nên cơ hội nghìn tỷ USD cho các nhà khởi nghiệp - Ảnh 2.
Hơn 8 tỷ USD đã đổ vào các hãng y tế số trong quý III/2020

Rõ ràng, sự phát triển của các công nghệ cảm ứng, điện toán đám mây hay khả năng phân tích của trí thông minh nhân tạo đã khiến ngành y tế bước vào cuộc cách mạng số mạnh hơn bao giờ hết. Một khảo sát của trường đại học Stanford cho thấy gần 50% số bác sĩ Mỹ sử dụng những thiết bị chẩn đoán bệnh tiểu đường cho bản thân và 71% trong số đó thừa nhận chúng vô cùng hữu ích.

Thậm chí Apple Watch cũng bắt đầu liên kết với các phòng khám để phát triển những ứng dụng y tế số cho riêng mình.

Tạp chí JAMA International Medicine mới đây cho biết số người Mỹ sử dụng chăm sóc sức khỏe trực tuyến (Telemedicine) đã tăng 30 lần trong khoảng tháng 1-6/2020. Rõ ràng người Mỹ đang ngày càng dùng nhiều Internet và ứng dụng điện thoại cho các nhu cầu y tế.

Ngay cả chính phủ nhiều nước cũng đã bắt đầu thiết lập các tiêu chuẩn cho ngành y tế số. Ví dụ như Liên minh Châu Âu (EU) đang thúc đẩy việc xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn cho các báo cáo y tế số. Tương tự vào tháng 8/2020, Ấn Độ đã tuyên bố kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu y tế số cho người dân.

Sự thống trị của các tập đoàn công nghệ

Với sự bùng nổ của y tế số, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu các ông lớn ngành công nghệ có tiếp tục chinh phục vùng đất mới trị giá hàng nghìn tỷ USD này không sau khi đã tham chiến hàng loạt các ngành bán lẻ, du lịch, tài chính…

Mới đây, tập đoàn Amazon đã khiến toàn ngành dược phải xôn xao khi tham chiến mảng bán thuốc trực tuyến. Công ty này cũng đang cố gắng phát triển để trợ lý ảo nhân tạo Alexa có thể phân tích được một số bệnh nhẹ của khách hàng và đề ra các hướng giải quyết hữu hiệu.

Bình minh của ngành y tế trực tuyến: Dịch Covid-19 đã tạo nên cơ hội nghìn tỷ USD cho các nhà khởi nghiệp - Ảnh 3.

Trong khi đó, bộ phận y tế số AliHealth của Alibaba đang tung hoàng trên thị trường dược phẩm Trung Quốc khi doanh thu đạt 1,1 tỷ USD, tăng tới 74% trong 6 tháng tính đến tháng 9/2020 so với cùng kỳ năm trước. Apple thì có Apple Watch và gần 50.000 ứng dụng sức khỏe trên iPhone. Google thì có Verily.

Rõ ràng, một cuộc cách mạng trong ngành y tế, dược phẩm sắp xảy ra khi có sự tham chiến của nhiều ông lớn công nghệ và những năm tới có thể là thời kỳ của các ứng dụng chăm sóc sức khỏe.

Theo CafeBiz