Theo báo cáo mới nhất cho biết, để hạn chế tổn thất về mặt tài chính, các công ty Nhật Bản bao gồm Sony và Kioxia đã nộp đơn lên chính phủ Mỹ để được tiếp tục kinh doanh với Huawei.

Khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với gã khổng lồ Huawei của Trung Quốc, ngày càng nhiều công ty trên thế giới phải đối mặt với sức nóng. Với những hạn chế mới, các công ty có trụ sở tại Nhật Bản đã từng cung cấp chip cho Huawei đang đối mặt với nguy cơ mất hàng tỷ USD doanh thu.

.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó Intel – một công ty lớn trong lĩnh vực bán dẫn của Mỹ đã được cấp giấy phép cung cấp chipset cho gã khổng lồ Trung Quốc.

Huawei là một trong những khách hàng hàng đầu của Sony trong lĩnh vực cảm biến hình ảnh trong khi Kioxia là một trong những nhà sản xuất chip nhớ flash hàng đầu thế giới và cũng là nhà cung cấp chính cho gã khổng lồ viễn thông Huawei của Trung Quốc.

Kể từ khi chính phủ Mỹ bổ sung các biện pháp trừng phạt mới đối với Huawei, Sony đã phải cắt giảm kế hoạch chi tiêu vốn trong 3 năm, vì liên quan đến việc mất nguồn doanh thu hàng tỷ USD do phải ngừng cung cấp cảm biến hình ảnh cho Huawei.

Trong khi đó, Kioxia - một công ty công nghệ chuyên triển khai các kết quả nghiên cứu ứng dụng của Toshiba đã cảnh báo rằng, việc hạn chế nguồn cung cho Huawei có thể gây ra tình trạng dư thừa nguồn cung chip nhớ và dẫn đến giảm giá thành sản phẩm. Vì những tác động như vậy, công ty Kioxia tạm hoãn kế hoạch niêm yết nhiều tỷ USD.

Tuy nhiên, các công ty Nhật Bản như Sony và Kioxia không phải là những công ty duy nhất có nhu cầu xin giấy phép từ chính phủ Mỹ mà các công ty đến từ Hàn Quốc như Samsung Electronics và SK Hynix cũng đã nộp đơn lên chính phủ Mỹ để được tiếp tục cung cấp linh kiện cho Huawei.

Theo CafeBiz