đã bao giờ bạn nghe đến món bánh su kem kết hợp với trà sữa trân châu chưa? hãy vào bếp thực hiện ngay món bánh ngon, thật mới lạ này với cách làm không quá khó mà thành phẩm lại cực kì thơm ngon.

Bánh su kem trà sữa trân châu mới lạ thơm ngon cho tín đồ trà sữa
 Thời gian thực hiện
  • Thời gian thực hiện: 1,5 tiếng
  • Thời gian bỏ kem trong tủ lạnh: 3 - 4 tiếng
  • Nguyên liệu dưới đây chuẩn bị cho khẩu phần 4 người

 Chuẩn bị nguyên liệu và dụng cụ

Nguyên liệu:

  •  Đường trắng 30g
  •  Bột bắp 10g
  •  Sữa tươi 200ml
  •  Trà đen 5g
  •  Nước lạnh 120ml
  •  Bơ lạt 60g
  •  Bột mì đa dụng 65g
  •  Trứng gà 4 quả
  •  Kem phô mai 100g (Creamcheese)
  •  Sữa đặc 50g
  •  Kem whipping 50 ml

Dụng cụ:  Lò nướng, máy đánh trứng, tô, khay nướng, túi bắt kem có đui sao, que đánh trứng

Mẹo nhỏ: Kem phô mai và kem whipping bạn có thể dễ dàng mua được ở các tiệm làm bánh, một số siêu thị cũng có bán các nguyên liệu này.
Nguyên liệu làm bánh su kem trà sữa trân châu

Các bước thực hiện bánh su kem trà sữa trân châu

Bước 1: Làm nhân custard trà sữa

  • Tách 2 quả trứng gà, lấy lòng đỏ trứng
  • Cho vào tô 2 lòng đỏ trứng đã tách ở trên, thêm 30g đường trắng. Dùng que đánh trứng đánh đều tay cho đến khi lòng đỏ chuyển sang màu vàng nhạt, khi nhấc lên thì trứng chảy xuống như hình.
  • Rây 10g bột bắp vào tô.
  • Trộn đều hỗn hợp các nguyên liệu với nhau.
Đánh lòng đỏ chuyển sang màu vàng nhạt thì rây bột bắp vào tô. Trộn đều hỗn hợp.
  • Bắc nồi lên bếp, bật lửa nhỏ, cho 200ml sữa tươi với 5g trà đen vào đun cho sôi, nấu thêm khoảng 2 phút thì tắt bếp, để nguội.
Đun sôi sữa tươi với trà đen khoảng 2 phút.
  • Trà sữa để khoảng 15 - 20 phút cho nguội bớt, còn hơi ấm ấm thì lọc qua rây lấy nước, bỏ xác trà.
  • Cho trà sữa từ từ vào tô trứng bột đã chuẩn bị ở trên. Vừa đổ vừa khuấy đều tay cho hỗn hợp tan đều vào nhau.
  • Sau đó, cho hỗn hợp vào nồi nấu ở lửa nhỏ, khuấy đến khi nhân custart hơi sệt, có độ sánh như kem thì tắt bếp.
  • Để nguội cho vào túi bắt kem và bảo quản ngăn mát từ 3 - 4 tiếng.
Mẹo nhỏ: Khi nấu, bạn nên thường xuyên khuấy đều tay để nhân custart không bị dính và cháy ở đáy và thành nồi. Nấu nhân bánh vừa đủ sệt để sau khi bảo quản lạnh, nhân sẽ không bị quá đặc.
Đợi trà sữa nguội bớt thì lọc qua rây, đổ từ từ trà sữa vào tô trứng bột, cho lên bếp nấu

Bước 2: Làm kem phô mai

  • Cho 100g kem phô mai và 50g sữa đặc vào tô.
  • Bạn dùng máy đánh trứng đánh cho kem phô mai hòa quyện vào sữa đặc, thêm tiếp cho vào tô 50ml kem whipping, đánh tốc độ nhỏ vừa cho đến khi kem mịn mượt, có chóp mềm.
  • Cho kem vào túi bắt kem, bảo quản ngăn mát tủ lạnh
Mẹo nhỏ: Kem phô mai bạn nên để mềm ở nhiệt độ phòng, khi đánh kem, kem sẽ mịn mà không bị lợn cợn.  
dùng Dùng máy đánh trứng đánh cho kem phô mai hòa quyện vào sữa đặc

Bước 3: Làm vỏ bánh su kem

  • Cho vào nồi 120ml nước lạnh và 60g bơ lạt.
  • Bật bếp, đun lửa vừa cho đến khi hỗn hợp sôi và bơ chảy hoàn toàn thì hạ nhỏ lửa, rây từ từ 65g bột mì cho mịn vào nồi. Dùng muỗng khuấy đến khi bột và hỗn hợp bơ hòa quyện. Bạn khuấy đều tay cho đến khi bột róc khỏi thành nồi, hình thành một khối bột dẻo như hình thì tắt bếp.
Lưu ý: Khi bơ vừa sôi thì lập tức rây bột mì vào.  
Lưu ý: Chỉ khuấy bột tới khi bột và trứng, nước hòa quyện thành một khối, không khuấy bột trên bếp quá lâu, điều này sẽ làm cho bột bị mất nhiều nước, khi nướng bánh sẽ không nở được hoặc ruột bánh bị đặc, như thế, bánh sẽ không ngon. 
Nấu nước lạnh và bơ lạt cho hỗn hợp sôi và bơ chảy hoàn toàn, cho bột mì vào nấu
  • Tiếp đến, bạn đập 2 quả trứng gà cho vào chén và đánh tan. Chia làm 2 lần đổ vào phần bơ bột. 
Lưu ý: Bạn đợi cho hỗn hợp bột ở trên nguội hẳn rồi mới cho trứng vào nhé.
  • Cho nửa chén trứng (1 quả) vào hỗn hợp bột, trộn đều tay cho bột và trứng hòa vào nhau thành hỗn hợp mịn thì cho tiếp phần trứng còn lại vào, làm tương tự cho khối bột mềm mịn, trứng và bột hòa làm một với nhau.
Cho lần lượt từng quả trứng vào hỗn hợp bột
  • Hỗn hợp bột đặc, mịn, bóng là đạt yêu cầu. Khi mới đổ trứng vào, hỗn hợp bột sẽ lỏng và rời rạc, nhưng càng khuấy bột càng đặc lại. 
Mẹo nhỏ: Bạn có thể kiểm tra độ đạt của bột bằng cách dùng muỗng múc ít bột thả xuống, bột chảy xuống đứt từng đoạn là được.
Dùng muỗng khuấy đến khi hỗn hợp bột đặc, mịn, bóng.

Bước 4: Nướng bánh

  • Làm nóng lò nướng trước 10 phút ở nhiệt độ 200 độ.
  • Cho bột vào túi bắt kem có đui sao. Lót giấy nến vào khay nướng và nặn bánh thành hình xoắn ốc đẹp mắt với kích thước vừa ăn tùy theo khẩu vị gia đình bạn.
Mẹo nhỏ: Nếu không có đồ bắt kem, bạn có thể dùng hai cái muỗng, một cái để xúc bột, cái còn lại gạt cho bột xuống khay nướng. Bạn nhớ chừa khoảng cách giữa các bánh để bánh nở ra nữa nhé.
  • Cho bánh vào lò và nướng ở nhiệt độ 170 độ trong 30 phút. Thời gian nướng còn phụ thuộc vào kích cỡ bánh các bạn bắt to hay nhỏ, bạn quan sát đến khi thấy bánh vàng đều là đươc.
  • Khi bánh chín, bạn để bánh nguội trong lò ổn định rồi mới lấy bánh ra, không lấy bánh ra ngay vì bánh sẽ bị sốc nhiệt và dễ xẹp.
  • Vỏ bánh nướng đạt là vỏ bánh nở đẹp, ruột rỗng, vỏ vàng đều, thơm. Khi lấy ra khỏi lò vỏ bánh sẽ hơi cứng và giòn một chút, nhưng để một lúc vỏ bánh sẽ mềm.
Lưu ý: Không được mở lò trong quá trình nướng, bánh sẽ bị xẹp, không ngon.
Bắt bột lên khay nướng có lót giấy nến. Cho bánh vào nướng ở nhiệt độ 170 độ trong 30 phút.

Bước 5: Hoàn thành

  • Bắc 1 nồi nước lên bếp, nước sôi các bạn cho trân châu mua sẵn vào luộc, đun tầm 25 phút cho chín. Sau đó vớt ra 1 tô nước lạnh cho nguội rồi vớt ra để ráo nước. Bạn có thể ngâm trân châu trong nước đường hoặc mật ong khoảng 15 phút để trân châu ngon hơn, cho trân châu vào túi bắt kem để bơm vào bánh. 
Mẹo bảo quản trân châu mềm lâu và không bị cứng: 
  • Sau khi luộc xong, bạn dùng rây vớt trân châu ra, ngâm vào nước lạnh hoặc xả dưới vòi nước để trân châu không bị dính rồi trộn trân châu với nước đường nâu xong mang ủ nóng ở nồi cơm điện (chế độ hâm nóng). Cách này sẽ giúp trân châu bạn mềm mà không bị cứng trong suốt 1 ngày.
  • Để bảo quản trân châu lâu hơn, chúng ta cho trân châu vào hộp đậy nắp kín hoặc bịt nilon phía trên rồi cho vào ngăn mát của tủ lạnh. Với phương pháp này, trân châu có thể để đc 3 - 4 ngày mà không sợ hư hỏng.
  • Khi muốn đưa ra sử dụng thì bạn chỉ cần luộc lại trân châu rồi sử dụng. Tuy nhiên nếu muốn hạt trân châu ngon bạn nên làm và ăn liền nhé.
  • Dùng dao hoặc kéo trích một lỗ nhỏ bên hông bánh, sau đó bơm lần lượt nhân custart trà sữa, kem phô mai và trân châu vào bánh su. 
Bơm lần lượt nhân custart trà sữa, kem phô mai và trân châu vào bánh su

Thành phẩm

Bánh su kem trà sữa trân châu thật thơm ngon với phần vỏ bánh dai mềm, phần nhân custart đậm đà vị trà sữa, kết hợp với vị béo ngậy của phô mai, thêm trân châu dẻo dai nữa thì thật là một sự kết hợp hoàn hảo. Bánh có thể bảo quản trong ngăn mát 2 - 3 ngày nên các bạn hãy làm sẵn phần vỏ và phần nhân, khi ăn chỉ cần cho nhân vào vỏ bánh là hoàn thành rồi.

Bánh su kem trà sữa trân châu mới lạ thơm ngon cho tín đồ trà sữa
 Mẹo thực hiện thành công
  • Phần nhân và kem phô mai giữ lạnh ăn mới ngon. Bạn không trộn chung kem với trân châu để sẵn tủ mát, trân châu sẽ bị cứng, không ngon.
  • Bạn nên nướng vỏ bánh vàng một chút, khi ăn sẽ cảm thấy vỏ bánh giòn kết hợp với nhân kem trà sữa phô mai béo thơm, mịn tan trong miệng và chút dẻo dai của hạt trân châu.

Làm bánh su kem trà sữa trân châu thật đơn giản dễ thực hiện lại còn rất ngon nữa. Bạn còn chờ gì mà không thử vào bếp thực hiện ngay nào.

Theo VnExpress