lẩu riêu cua bắp bò là món lẩu khoái khẩu của nhiều người bởi vị ngọt thanh, thơm mềm và hương thơm lôi cuốn. còn chần chờ gì mà không nhanh tay vào bếp cùng chế biến nồi lẩu riêu cua bắp bò siêu hấp dẫn, bổ dưỡng này?

Lẩu riêu cua bắp bò
Thời gian sơ chế, chế biến và khẩu phần ăn món lẩu riêu cua bắp bò

- Sơ chế: 1-2  tiếng

- Chế biến: 1 tiếng

- Khẩu phần ăn: cho gia đình từ 3-4 người

Nguyên vật liệu cần có cho món lẩu riêu cua bắp bò

– Cua đồng: 1 kg

– Sườn sụn: 500 gram

– Bắp bò: 500 gram

– Đậu hũ: 6 miếng.

– Bún sợi nhỏ: 2 kg 

– Cà chua: 3 trái 

– Tỏi: 1 củ

– Ớt: 2 trái 

– Rau sống: Rau muống bào, hoa chuối, xà lách, tía tô, kinh giới, giá và ngò tàu.

Cơm mẻ, dấm bỗng (nếu có), mắm tôm: mỗi thứ 1 chén nhỏ.

– Hạt nêm, đường, muối và dầu ăn.

– Dụng cụ nhà bếp đơn giản: bếp gas, nồi lẩu, nồi áp suất, vá (muôi), ray lọc, chén đĩa, đũa muỗng...

Một số nguyên liệu nấu món lẩu riêu cua bắp bò
 

Cách chọn cua đồng ngon

  • Bạn nên chọn những con cua khỏe, di chuyển nhanh, các bộ phận (thân, mình, chân ) còn đầy đủ và cua còn sủi bọt khí liên tục.
  • Khi lật ngửa con cua, sờ vào yếm thấy cứng và chắc tay thì đó là những con cua còn khỏe, tươi, nhiều thịt và dùng để nấu riêu rất ngon.

Cách chọn bắp bò để nấu lẩu riêu cua bắp bò

  • Để làm lẩu riêu cua bắp bò ngon thì bạn nên dùng bắp rùa. Bắp rùa là phần bắp ngon nhất của con bò, phần bắp rùa rất nhỏ, nằm giữa lõi bắp đùi to ở chân sau. Bắp hoa to hơn bắp rùa một chút và nằm ở phía chân trước của con bò nhé.
  • Chọn bắp rùa có màu đỏ tươi, thớ nhỏ mịn, thơm mùi bò, mỡ bò màu vàng nhạt.
  • Bắp rùa ăn sẽ mềm thịt hơn bắp hoa và giá thì cũng mắc hơn bắp hoa nên tùy nhu cầu mà bạn có thể lựa chọn loại phù hợp.

Cách thực hiện món lẩu riêu cua bắp bò

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

  • Tỏi, cà chua, ớt : tỏi bóc vỏ, rửa sạch rồi đem đập dập, băm nhỏ, để riêng. Cà chua cắt bỏ cuống, rửa sạch rồi đem xắt múi cau. Ớt bỏ cuống, rửa sạch rồi xắt lát nhỏ, để riêng.
Tỏi, cà chua ớt sơ chế
  • Rau sống:  gồm rau muống bào, hoa chuối, xà lách, tía tô, kinh giới, giá và ngò tàu đem lặt sạch, rửa kỹ rồi ngâm nước muối pha loãng 15 phút rồi xả lại với nước sạch, vẩy khô và để ráo.
Ngâm rau sống
  • Đậu hũ: rửa sạch và cắt miếng vừa ăn rồi để riêng.
Đậu hủ cắt miếng vừa ăn
  • Sườn sụn: rửa sạch, để ráo, sau đó thái miếng vừa ăn. Sau đó ướp sườn sụn với 1 muỗng cafe hạt nêm, 1/2 muỗng cafe muối, 1/2 muỗng cafe đường và 1/2 muỗng cafe tỏi băm nhỏ. Bạn trộn đều và để 30 phút cho sườn thấm gia vị.
sườn sụn heo thái lát
Mách nhỏ: Sườn sau khi rửa bạn có thể đem ngâm 10-15 phút với nước muối. Nó không chỉ làm cho sườn sạch máu thừa bên trong mà còn giữ được dinh dưỡng trong sườn, làm cho món sườn thơm ngon, nước cũng trong hơn.
  • Bắp bò rửa sạch với nước muối pha loãng rồi xả lại với nước sạch và để ráo. Sau đó, xắt bắp bò thành những miếng mỏng vừa ăn. Sau khi xắt xong, bạn ướp bắp bò với 1 muỗng cafe hạt nêm và để khoảng 30 phút cho bắp bò thấm gia vị rồi xếp bắp bò ra đĩa, để riêng.
Thái bắp rùa bò thành miếng vừa ăn
  • Cua đồng làm sạch, tách mình cua để khều lấy gạch cua và để riêng ra chén nhỏ. Tiếp theo, bạn đem cua rửa sạch rồi cho vào cối, cho thêm chút muối và giã nát (hoặc bạn có thể sử dụng máy xay sinh tố để xay cua). Sau khi giã xong, bạn hãy lọc lấy nước và bỏ phần xác cua.
Lọc bỏ phần xác cua bằng ray

Bước 2: Ninh (hầm) sườn cho nồi nước lẩu 

Đối với nồi bình thường

- Đem sườn luộc sơ trước cho hết phần cặn bẩn và mùi hôi. Bắc nồi nước lên bếp và đun cho sôi, có thể cho vào một nhúm muối hoặc ít giấm tùy thích. Khi nào nước sôi thì mới cho sườn vào, nước bắt đầu sôi lại và có bọt thì tắt bếp ngay và vớt sườn ra.

- Bắc tiếp một nồi nước khác và cho phần sườn đã chần lúc nãy vào từ đầu, bắt đầu hầm từ 30 - 45 phút cho sườn chín mềm và ra nước ngọt. 

Lưu ý: Tuyệt đối không cho muối vào ở bước này vì sẽ làm mất đi độ ngọt thanh tự nhiên của sườn.
Hầm sườn heo

Đối với nồi áp suất

Bật bếp, cho sườn sụn đã thấm gia vị vào nồi áp suất đem ninh khoảng 15 - 20 phút cho sườn chín mềm.

Bước 3: Làm gạch cua, chiên đậu hủ

  • Làm gạch cua: Phi thơm tỏi băm nhỏ và cho phần gạch cua đã tách riêng lúc nãy vào xào chín, nêm thêm chút nước mắm cho vừa miệng rồi trút ra, để riêng.
Xào gạch cua
  • Chiên đậu hủ: Bạn cho thêm dầu ăn vào sao cho ngập mặt chảo, chờ cho dầu sôi thì cho đậu hũ đã xắt miếng vào chiên chín vàng các mặt. Khi đậu hũ chín vàng, vớt ra để trên đĩa có lót sẵn giấy thấm dầu cho ráo.
Chiên đậu hủ

Bước 4: Nấu riêu cua 

  • Bạn cho nồi nấu lẩu lên bếp, cho 1 chút dầu chiên đậu hũ vào nồi, cho thêm 1 muỗng tỏi băm (tùy ít hay nhiều) vào phi thơm.
  • Khi tỏi dậy mùi thơm, bạn cho hết tô nước lọc cua vào, cho thêm 1 muỗng cafe mắm tôm, 1 muỗng cafe hạt nêm, 1 muỗng cafe đường và 1 muỗng cafe muối vào, khuấy nhẹ tay rồi đun sôi.
  • Khi gạch cua nổi lên thì bạn cho nhỏ lửa, dùng vá (muôi) vớt hết gạch cua cho vào cái chén riêng để khi ăn lẩu thì dùng.
  • Tiếp theo, cho cà chua vào nồi nước lẩu, cho hết phần nước và sườn sụn đã ninh chín mềm vào, cho thêm 3 muỗng canh cơm mẻ, 2 muỗng canh dấm bỗng vào và đun cho sôi lại thì nêm nếm cho vừa miệng.
Nấu riêu cua
Mẹo thực hiện thành công: Sau khi đã lọc cua xong, bắc nồi nước lọc cua lên bếp, để lửa to, khuấy đều để gạch cua không bám ở đáy nồi. Khi nồi riêu cua bắt đầu nóng, bạn không khuấy nữa và hạ lửa vừa.

Thành phẩm 

Khi ăn, bạn bày thịt bắp bò, đậu rán, rau sống, hoa chuối và các loại rau ăn kèm xung quanh nồi lẩu rồi cùng gia đình quây quần thưởng thức nhé. Nếu thích ăn cay, bạn có thể cho thêm ớt theo ý thích của bạn.

Lẩu riêu cua bắp bò

Bạn thấy không, cách làm lẩu riêu cua bắp bò đúng chuẩn thật ra không khó, chúng chỉ hơi tốn chút xíu thời gian ở các bước sơ chế nhưng các bước chế biến thì lại cực kỳ dễ dàng. Vậy tại sao chúng ta lại không làm thử món lẩu này cho gia đình mình thưởng thức? Chúc các bạn thành công!

Theo VnExpress