máy ép trái cây là một trong những sản phẩm rất được chị em nội trợ ưa chuộng. cùng xem qua những gợi ý dưới đây của chúng tôi để chọn mua được loại máy ép phù hợp.

Máy ép trái cây có chức năng ép trái cây để lấy nước. Tức là ngoài việc xay nhuyễn, máy ép trái cây còn phải có một lưới lọc và một bộ phận đựng bã, tách bỏ phần nước dinh dưỡng khỏi phần bã xơ của rau củ quả.

Các loại máy ép

Máy ép trái cây đơn chức năng

Máy ép trái cây Philips HR1811

Là loại máy chỉ có chức năng ép trái cây với tốc độ cao, xuất hiện từ lâu và được sử dụng phổ biến.

Gồm các bộ phận chính: mô-tơ tốc độ cao, mâm xay với nhiều lưỡi dao và lưới lọc, nắp máy có miệng tiếp nguyên liệu, khay hứng nước ép và bã xơ.

Khi đưa hoa quả vào ép, mâm xay sẽ xoay với tốc độ cao, mài nhỏ hoa quả, tách nước ra khỏi phần bã nhờ lực ly tâm.

Nước ép được lọc qua lưới lọc sẽ theo miệng vòi chảy ra ngoài, phần xác còn lại sẽ được đưa ra ngoài và cho vào cối chứa bã.

Máy xay ép đa năng

Máy xay ép đa năng Philips HR1847 1.5 lít

Là loại máy ngoài ép trái cây, máy còn có thể xay như xay sinh tố, xay khô, xay ướt như xay thịt, xay cá… Loại máy này có một thân máy đi kèm nhiều bộ phận, nhiều loại cối và nhiều loại lưỡi dao khác nhau. Bạn có thể xay đậu nành nguyên xác, đậu nành lọc bã, xay các loại thực phẩm tươi sống, ngũ cốc, nước sốt… với độ nhuyễn tùy ý lựa chọn.

Trong các loại máy ép thì máy xay ép đa năng cồng kềnh nhất và cũng vận hành phức tạp nhất. Tuy nhiên, đây là lựa chọn được nhiều người nội trợ ưa thích, bởi độ tiện lợi và giá thành một chiếc máy xay ép đa năng sẽ hợp lý hơn so với mua máy xay sinh tố, máy ép, máy làm sữa đậu nành, máy xay thịt riêng biệt.

Phụ kiện kèm theo gồm: thân máy, các loại cối xay như cối xay khô, cối xay đậu nành, cối xay thịt, cốc đựng bã, cốc đựng nước ép, lưỡi dao cho từng loại cối.

Thương hiệu và xuất xứ

Những thương hiệu hàng đầu khi mua máy ép như Philips, Panasonic … là sản phẩm sản xuất theo công nghệ tiên tiến từ châu Âu, Mỹ hoặc Nhật, có xuất xứ từ một nước gia công thứ 3 như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, chất lượng đảm bảo và chế độ bảo hành tốt.

Các thương hiệu bình dân: Sunhouse, Pensonic... tập trung vào tính năng, giá thành thấp hơn, phong phú về mẫu mã.

Dung tích

Khi mua máy ép, bạn cần chú ý dung tích cối đựng bã và dung tích cối chứa nước, lựa chọn loại phù hợp với nhu cầu của mình để không bị gián đoạn trong quá trình ép trái cây.

Dung tích bình chứa 600ml của máy ép trái cây Panasonic MJ-68MWRA

_ Gia đình 2-4 người: Dung tích bình chứa nước khoảng 500ml, dung tích cối đựng bã khoảng 600ml

_ Gia đình 4-6 người: Dung tích bình chứa 700ml, dung tích cối đựng bã 850ml

_ Gia đình trên 6 người: Dung tích bình chứa khoảng 800ml trở lên, dung tích cối đựng bã khoảng 1L.

Tính năng

Công suất

_ Máy ép có công suất 200W-300W thường ép được các loại trái cây mềm như dưa hấu, lê, dưa leo…

_ Máy ép công suất 400-650W có chức năng ép hiệu quả hơn, cho nhiều nước, phù hợp với nhiều loại trái cây, thực phẩm cứng như ổi, cóc, cà rốt…

_ Máy ép công suất 700W trở lên có thể xay ép khô xác, ép nước triệt để, tiết kiệm nhiên liệu.

Lưỡi dao và lưới lọc

Lưỡi dao máy ép trái cây Pensonic PJ-600

Lưỡi dao và lưới lọc của máy ép hàng chính hãng trên thị trường thường được làm bằng thép không gỉ, chống mài mòn, bảo vệ an toàn sức khỏe người sử dụng.

Chức năng đặc biệt

Với các loại máy ép có chức năng ngắt điện khi quá tải, người sử dụng sẽ an tâm hơn, bởi giảm thiểu tình trạng chập điện, cháy nổ, hư hỏng máy.

Một số loại máy ép còn bố trí chân đế chống trượt và thanh cài cố định thân máy, giúp máy đứng vững, không bị xê dịch dễ gây đổ vỡ trong lúc hoạt động.

Chân đế chống trượt của máy ép trái cây Philips HR1836

Máy ép trái cây tốc độ thấp

Máy ép trái cây tốc độ thấp

Là loại máy ép với cơ chế nén trái cây, ép để lấy nước chứ không phải nghiền và tách nước khỏi bã như ở dạng máy ép ly tâm. Máy có bộ phận chính là động cơ giảm tốc và trục vít đặc biệt dạng xoắn ốc. Nguyên lý hoạt động của máy là khi đưa trái cây vào, trục vít quay với tốc độ thấp, đưa nguyên liệu vào lưới lọc, bộ phận tách bã sẽ đẩy bã ra ngoài, nhẹ nhàng nén để nước ép chảy ra.

Ưu điểm

_ Nước ép giữ được màu và hương vị nguyên chất, bảo quản được lâu hơn do các hạt enzyme của trái cây không bị vỡ.

_ Ép lấy nước triệt để.

_ Ép được nhiều loại rau củ quả khác nhau.

_ Máy chạy êm, không gây tiếng ồn lớn.

_ Dễ dàng vệ sinh sau khi sử dụng.

Nhược điểm

_ Giá thành cao. Một chiếc máy ép trái cây tốc độ chậm thường có giá từ 6 đến 10 triệu đồng.

_ Thời gian ép lâu.

_ Phải cắt nhỏ trái cây, rau củ quả trước khi ép.

_ Nước ép có thể còn lẫn một ít bã xơ.

Theo VnExpress