Sau màn gây chiến của Facebook với giới truyền thông và chính phủ Australia, nhiều quốc gia đã lên tiếng sẵn sàng áp đặt quy định để đảm bảo quyền lợi cho các nhà xuất bản.

Sự việc gã khổng lồ mạng xã hội (MXH) phong tỏa giới truyền thông tại Australia đã châm ngòi cho một cuộc chiến âm ỉ từ lâu. Nhưng sự thỏa hiệp mới đây của Facebook với chính quyền của Thủ tướng Scott Morrison có đủ để dẹp yên những rắc rối mà MXH này đang phải đối mặt?

Sau khi chính phủ Australia thực hiện sửa đổi đối với Đạo luật thương lượng bắt buộc về nền tảng kỹ thuật số và truyền thông tin tức, Facebook sẽ dỡ bỏ lệnh cấm trên nền tảng của mình.

Những thay đổi của Australia đối với dự luật có thể mang lại cho các gã khổng lồ công nghệ sự linh hoạt hơn. Dự luật mới này phải xem xét liệu các nền tảng kỹ thuật số đã đạt được thỏa thuận thương mại với giới truyền thông để có đóng góp đáng kể cho ngành báo chí hay chưa?

Dự luật cũng quy định, khi một nền tảng và một công ty truyền thông đạt được thỏa thuận thương mại, "trọng tài" sẽ là phương tiện pháp lý cuối cùng, nhưng phải trải qua một cuộc hòa giải kéo dài 2 tháng.

Google thỏa hiệp, Microsoft tham gia cuộc chơi

Là một gã khổng lồ kỹ thuật số khác sẽ bị ảnh hưởng bởi dự luật, từng đe dọa sẽ hủy bỏ các dịch vụ của mình tại Australia, nhưng Google cuối cùng đã chọn hợp tác với tập đoàn tin tức lớn nhất nước này. Theo ABC, tổng số tiền của thỏa thuận giữa Google và Murdoch vượt quá 60 triệu USD.

Microsoft, cũng là một gã khổng lồ kỹ thuật số, đã tham gia tranh chấp, nhưng không giống như phản ứng của Facebook và Google, Microsoft kêu gọi thành lập "mô hình Australia", cho phép những gã khổng lồ kỹ thuật số trả tiền cho nội dung tin tức.

Cụ thể, Microsoft sẽ hợp tác với các tổ chức trong ngành truyền thông như Hội đồng các nhà xuất bản châu Âu để vận động cho chính sách này. Các nhà xuất bản của Microsoft và châu Âu nhận định những quy tắc bản quyền sửa đổi của EU vào năm 2019 là không đủ.

"Một động thái hiếm có", Đài truyền hình quốc gia Đức cho biết, luôn có một sự hòa hợp bất thành văn giữa những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ như Microsoft, Google, Facebook và Amazon và có rất ít cuộc đối đầu công khai. Microsoft có kế hoạch riêng cho động thái này. Điều đó sẽ giúp nâng cao hình ảnh của Microsoft.

Hội đồng các nhà xuất bản châu Âu cho biết họ hoan nghênh việc Microsoft công nhận giá trị của tin tức. Mặt khác, các nhà phân tích tin rằng Microsoft có thể tung ra những sản phẩm mới liên quan để cạnh tranh với Google và Facebook. Đây cũng là một quảng cáo thành công.

Hỗ trợ đa quốc gia để các nhà xuất bản đàm phán với những công ty công nghệ

Trước đó, các thành viên của cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ có kế hoạch đưa ra một dự luật trong những tuần tới, để giúp các tổ chức tin tức tương đối nhỏ dễ dàng đàm phán với các nền tảng công nghệ lớn. Nhóm chống độc quyền của Quốc hội sẽ đưa ra một loạt đề xuất liên quan, bao gồm các nội dung trên.

Đây cũng là chủ đề nhận được sự quan tâm của giới chức EU kể từ năm 2019 và 2 dự thảo luật mới đã được đưa ra vào năm 2020.

Cũng trong thời gian khai chiến với Facebook, Australia đã tiến hành hội đàm trực tuyến với Ấn Độ, Canada, Vương quốc Anh và Pháp về vấn đề thanh toán cho tin tức trên các nền tảng kỹ thuật số để tìm ra hướng đi chung.

Đáp lại lời kêu gọi của Thủ tướng Scott Morrison, các quốc gia này đều có những động thái nhất định cho thấy sự ủng hộ dành cho việc yêu cầu trả phí tin tức cho giới truyền thông nói chung, và Australia nói riêng.

“Chúng tôi muốn các tờ báo có cơ hội phổ biến nội dung của họ trên mạng. Nhưng chúng tôi cũng muốn các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu trả tiền cho việc sử dụng báo chí, dựa trên những điều kiện cạnh tranh công bằng và hợp lý hơn”, Giám đốc điều hành Thomas Mattsson của tổ chức thương mại nói với đài truyền hình quốc gia SVT (Thụy Điển) khẳng định.

Chuyên gia pháp lý của Bộ Tư pháp Thụy Điển Patrik Sundsberg nói với SVT rằng mục tiêu của luật mới ban hành là điều chỉnh mối quan hệ giữa các công ty truyền thông và công ty công nghệ, đồng thời củng cố vị thế của các nhà xuất bản bằng cách trao cho họ độc quyền đối với ấn phẩm.

Đây cũng là quan điểm của Bộ trưởng Văn hóa Đan Mạch, bởi việc không tuân thủ và đánh mất nội dung tin tức chất lượng sẽ khiến Facebook biến thành một tập hợp “những kẻ theo thuyết âm mưu và mông muội”. “Chúng tôi đã chọn đi xa hơn những gì EU yêu cầu, bằng cách cho các công ty truyền thông Đan Mạch cơ hội đàm phán cùng với những gã khổng lồ công nghệ”, bà Mogensen cho biết.

Đề xuất của Thụy Điển và Đan Mạch đều xuất hiện sau màn gây chiến từ Facebook với Australia. Trước đó, quản lý hàng đầu của Facebook tại Scandinavia, Martin Ruby, đã gọi đề xuất này là “không công bằng”, cho rằng Facebook cũng tạo ra giá trị cho các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, tính đến hiện tại, chỉ có 4% nội dung Facebook là tin tức.

“Cơ chế của Australia đã thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý trên toàn thế giới”. Tờ Financial Times cho biết, những tổ chức này cũng đang tìm cách hỗ trợ các nhà xuất bản trong các cuộc đàm phán với Google và Facebook. Song những tập đoàn công nghệ lớn có thể dễ dàng vượt qua các quy định này, chính vì vậy phải có quy định cụ thể hoặc động thái cứng rắn hơn.

Theo thông tin mới nhất, không chỉ phải thừa nhận sai lầm sau sự việc vừa qua tại Australia, Facebook cũng lên tiếng cam kết chi ít nhất 1 tỷ USD cho ngành công nghiệp tin tức trong 3 năm tới. Ngược lại, với thỏa thuận cấp phép mới đây giữa Google và các nhà xuất bản Pháp, số tiền hãng này phải trả thấp hơn nhiều so với thỏa thuận dàn xếp với truyền thông Australia.

Theo CafeBiz