Sở hữu hiệu năng tốt cùng độ bền cao, TeamGroup PD1000 là một trong những SSD di động đáng mua nhất trên thị trường ở thời điểm hiện tại.

Đã qua rồi cái thời chúng ta phải copy dữ liệu qua chiếc ổ flash dung lượng vài GB, tốc độ rùa bò vài chục MB/s. Khi ảnh, video ngày càng phình to ra về dung lượng và bộ nhớ đám mây thôi là không đủ, giải pháp ổ cứng di động trở nên ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, ổ cứng di động truyền thống có kích thước cồng kềnh, trong khi tốc độ vẫn quá chậm. Đó là lý do nhiều người tìm đến các sản phẩm SSD di động (portable SSD).

Đánh giá SSD di động TeamGroup PD1000 512GB: Một quyết định đơn giản

Ổ cứng thể rắn (Solid-state Drive) nhanh hơn và ít bị ảnh hưởng bởi tác động của ngoại lực so với ổ cứng truyền thống do không có động cơ hay bộ phận chuyển động nào bên trong – một điều rất quan trọng với ổ cứng di động, vốn được chúng ta mang đi đây đi đó hàng ngày.

Hiện tại, đã xuất hiện một số SSD di động tận dụng được băng thông cao của chuẩn USB 3.2 Gen 2, tiêu biểu như chiếc Samsung T7 Touch mà VnReview từng đánh giá gần đây. Trong bài viết này, VnReview xin được gửi tới độc giả những trải nghiệm với chiếc PD1000 dung lượng 512GB, một trong những sản phẩm mới nhất của thương hiệu TeamGroup. Hiện tại, PD1000 đang được bán với mức giá 77 USD (1,7 triệu đồng) cho phiên bản 512GB, và 140 USD (3,2 triệu đồng) cho phiên bản 1TB, với thời gian bảo hành 3 năm.

Thiết kế, tính năng nổi bật

Thiết kế của PD1000 có thể gói gọn trong ba từ "nhỏ, gọn, cao cấp". Với kích thước lần lượt (dài x rộng x cao) 107 x 40 x 10.9 mm và nặng 75g, PD1000 chỉ dài hơn chiếc bật lửa một chút, có thể đút vào trong túi áo sơ mi hoặc túi quần jean mà không thấy khó chịu.

Đánh giá SSD di động TeamGroup PD1000 512GB: Một quyết định đơn giản

Khoác lên mình lớp vỏ nhôm anode hoá, PD1000 toát lên vẻ cao cấp với tông màu xanh vàng, chất lượng hoàn thiện tốt với các cạnh bo tròn cầm nắm thoải mái. Theo công bố của nhà sản xuất, PD1000 đạt chuẩn kháng nước/bụi IP68, cũng như đạt chứng nhận độ bền chuẩn quân đội MIL-STD-810G (xem thêm: Chứng chỉ MIL-STD-810G là gì mà nhiều smartphone hay "khoe khoang" mình có?) với khả năng chống chịu lực 1600 kg – tương đương trọng lượng của một chiếc ô tô - mà không biến dạng. Tất nhiên, chúng ta không ngâm nước hay lấy ô tô ra mà "chèn ép" chiếc SSD này để làm gì cả, nhưng PD1000 khiến chúng ta yên tâm hơn khi chẳng may làm đổ cốc nước hoặc đánh rơi từ trên bàn xuống đất.

Đánh giá SSD di động TeamGroup PD1000 512GB: Một quyết định đơn giản

Là SSD di động đơn thuần để trữ dữ liệu, PD1000 không được trang bị cảm biến vân tay, trình quản lý mật khẩu hay mã hoá dữ liệu. Với những người dùng doanh nghiệp thường xuyên cần lưu trữ những dữ liệu quan trọng, Samsung T7 Touch sẽ là phương án hợp lý hơn, nhưng với người dùng bình thường, trình mã hoá BitLocker có sẵn trên Windows cũng là đủ để bảo vệ.

Đánh giá SSD di động TeamGroup PD1000 512GB: Một quyết định đơn giản

Để có tốc độ truyền tải nhanh nhưng vẫn đảm bảo thích ứng nhiều nền tảng khác nhau, USB-C hiển nhiên là sự lựa chọn sáng giá nhất. Bên trong hộp, TeamGroup có tặng kèm hai sợi cáp USB C-to-A và C-to-C, cũng rất ngắn như dây cáp tặng kèm Samsung T7 Touch nhưng ít ra thì chúng được bọc dù để giảm thiểu tỷ lệ đứt gãy.

Cơ chế kháng nước không cần nút che cổng kết nối của PD1000

Một điểm trừ lớn của sản phẩm này là cổng USB-C rất lỏng, dễ bị tuột ra ngoài, tôi đã thử với cả hai sợi cáp đi kèm cũng như các sợi cáp ngoài nhưng đều cho kết quả tương tự. Nguyên nhân rất có thể là do lớp chống nước của PD1000, khi TeamGroup thiết kế để nước không lọt được vào bên trong cổng kết nối mà không cần nút che.

Phần cứng

Không có nhiều thông tin về phần cứng của PD1000 trên website của TeamGroup. Khả năng kháng nước/bụi IP68 khiến việc mở tung chiếc SSD di động để tham khảo phần cứng bên trong là rất khó khăn. Tuy nhiên, trong nhiều bài test, PD1000 được liệt kê dưới dạng một thiết bị JMicron Tech, và xét thiết kế của chiếc ổ này, chắc chắn bên trong PD1000 là một chiếc SSD chuẩn M.2 giao tiếp NVMe (Non-Volatile Memory Express). Với những dữ liệu này, có thể đưa ra kết luận rằng PD1000 sử dụng một bridge controller USB 3.1 Gen2 to PCIe/NVMe Gen3x2 có tên JMS583.

Tuy nhiên, những thông số khác như PD1000 dùng loại chip nhớ gì, có DRAM hay không, RAM buffer bao nhiêu, và quan trọng nhất là độ bền, không có cách nào để xác nhận. Trong khi viết bài đánh giá này, tôi đã liên hệ với đại diện của TeamGroup, và tôi sẽ cập nhật bài viết khi nhận được phản hồi. PD1000 được bảo hành trong 3 năm, thay vì 5 năm như các sản phẩm SSD cố định khác của TeamGroup, cũng dễ hiểu vì tính chất của SSD di động, nhưng vẫn đủ dài lâu để chúng ta thoải mái sử dụng.

Hiệu năng và trải nghiệm thực tế

Thông tin của PD1000 trên Crystal Disk Info

Đo hiệu năng của TeamGroup PD1000, VnReview sử dụng hệ thống quen thuộc gồm:

CPU: AMD Ryzen 5 3600

Bo mạch chủ: MSI B450m Mortar Max

RAM: TeamGroup T-Force XTreem ARGB 2x8GB 3200MHz

Thiết bị thử nghiệm: TeamGroup PD1000, kết nối USB-C Gen 3.2

Tốc độ copy 600 tệp ảnh, video

Tốc độ copy tệp RAR 15GB

Đầu tiên, về tốc độ copy trong thực tế, tôi sử dụng hai bộ dữ liệu: Một là 600 tệp ảnh, video với tổng dung lượng 2,21GB, hai là một tập tin nén RAR dung lượng 15GB. Kết quả, trong cả hai trường hợp, PD1000 đều duy trì tốc độ khoảng 350-360 MB/s.

Đánh giá SSD di động TeamGroup PD1000 512GB: Một quyết định đơn giản

Theo thông tin trên hộp sản phẩm, PD1000 có tốc độ đọc/ghi tuần tự là 1000 MB/s và 900 MB/s. Với công cụ benchmark phổ biến Crystal Disk Mark, PD1000 cho kết quả sát với công bố này, với tốc độ đọc/ghi tuần tự là 985 MB/s và 940 MB/s. Đáng chú ý, tốc độ đọc ghi dữ liệu ngẫu nhiên 4KiB của PD1000 tốt hơn hẳn so với Samsung T7 Touch, đạt 34 MB/s và 76 MB/s.

Đánh giá SSD di động TeamGroup PD1000 512GB: Một quyết định đơn giản

AS SSD đo các thông số gần như tương tự với Crystal Disk Mark, nhưng sử dụng dữ liệu không nén nên kết quả thường thấp và sát với thực tế hơn. PD1000 đạt tổng điểm 2100, tiếp tục cao hơn Samsung T7 Touch với 1927 điểm.

Đánh giá SSD di động TeamGroup PD1000 512GB: Một quyết định đơn giản
AS SSD Compression Benchmark (trên) và Copy Benchmark (dưới)

AS SSD còn có hai công cụ khác là Compression Benchmark đo hiệu năng nén và Copy Benchmark đo tốc độ sao chép dữ liệu. Nhìn chung, PD1000 thể hiện đúng như dự đoán ở hai bài thử nghiệm này.

Đánh giá SSD di động TeamGroup PD1000 512GB: Một quyết định đơn giản

ATTO Disk Benchmark là phần mềm bao gồm một loạt các kiểm thử nhằm xác định tốc độ đọc và ghi dữ liệu của ổ cứng với nhiều gói dữ liệu kích thước khác nhau. PD1000 đạt tốc độ lý tưởng với I/O Size từ 64KB trở lên và ổn định trong suốt phần còn lại của bài test, tốc độ đọc chạm ngưỡng 1GB/s.

Đánh giá SSD di động TeamGroup PD1000 512GB: Một quyết định đơn giản

Với tốc độ cao, việc sao chép bộ cài game vào SSD di động để chơi đã không còn là điều phi thực tế. Qua công cụ benchmark của tựa game Final Fantasy XIV: Shadowbringers, PD1000 tải hết 5 màn chơi trong 12,023 giây, ngang ngửa với các sản phẩm SSD M.2 PCIe cao cấp.

Nhiệt độ của PD1000 chạm ngưỡng 63 độ C khi benchmark. Độc giả click vào ảnh để xem kích thước lớn hơn

Có thiết kế vỏ nhôm kín để kháng nước/bụi, nhiệt độ khi hoạt động của PD1000 là một vấn đề cần lưu tâm. Khi benchmark, nhiệt độ tối đa mà tôi ghi nhận của PD1000 là 63 độ C, và lúc này cơ chế hạ nhiệt của ổ đã "bóp" hiệu năng xuống để tránh hiện tượng quá nhiệt, dẫn đến tốc độ đọc/ghi bị giảm đi. Dù vậy, nhiệt độ cũng giảm xuống nhanh sau khi thực hiện xong tác vụ.

Thử độ bền là một tác vụ đầy rủi ro, khi gần như chắc chắn TeamGroup sẽ không bảo hành cho sản phẩm bị vào nước hoặc bị nghiền nát do tác động lực quá mạnh. Những thứ như IP68 hay MIL-STD-810G đều chỉ là các chứng chỉ mang tính chất bảo trợ, nhưng ít ra thì cho đến nay, tôi đã thử "quăng quật" vài lần chiếc ổ này từ trên bàn xuống đất mà chưa bị biến dạng cũng như hỏng hóc bên trong.

Tổng kết

Nhỏ gọn, bền bỉ cùng hiệu năng cao, có thể nói PD1000 thoả mãn gần như mọi điều kiện tiên quyết của một chiếc SSD di động tốt. Dù là sao chép dữ liệu, benchmark hay chơi game, PD1000 của TeamGroup đều hoàn thành tốt, đúng như những gì mà nhà sản xuất đã công bố. Mức giá 1,7 triệu đồng cho phiên bản 512GB là hợp lý, không đắt cũng không rẻ.

Tuy nhiên, PD1000 không phải là không có những điểm yếu. Cổng USB-C lỏng lẻo là thứ cần khắc phục ngay, trong khi nhiệt độ hoạt động cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu năng. Nhưng xét tổng thể, lựa chọn PD1000 sẽ là một quyết định rất đơn giản mà bạn sẽ gần như chẳng có lý do gì để đắn đo.

Hoàn Đặng

Theo Vnreview