Chính phủ Đan Mạch thông qua dự án xây dựng đảo nhân tạo khổng lồ ở Biển Bắc với 200 turbine gió ngoài khơi.

Thiết kế của đảo năng lượng tại Biển Bắc. Ảnh: Cơ quan năng lượng Đan Mạch.
Thiết kế của đảo năng lượng tại Biển Bắc. Ảnh: Cơ quan năng lượng Đan Mạch.

Đảo năng lượng đầu tiên trên thế giới lớn bằng 18 sân bóng đá (120.000 m2) và có thể mở rộng tới 460.000 m2. Đây là dự án xây dựng lớn nhất trong lịch sử Đan Mạch với tổng chi phí ước tính 34 tỷ USD. Nằm cách bờ 80 km, một nửa đảo nhân tạo này sẽ do chính phủ sở hữu và nửa còn lại thuộc quản lý của khu vực tư nhân.

Hòn đảo không chỉ cung cấp điện cho Đan Mạch mà cả mạng lưới điện của các quốc gia láng giềng. Giáo sư Jacob Ostergaard ở Đại học Kỹ thuật Đan Mạch cho biết Anh, Đức và Hà Lan đều hưởng lợi từ dự án. Công trình cũng cung cấp hydro sạch để sử dụng trong giao thông đường biển, hàng không, công nghiệp.

Theo Luật khí hậu Đan Mạch, đất nước cam kết giảm 70% khí thải nhà kính vào năm 2030 và không thải khí CO2 vào năm 2050. Tháng 12 năm ngoái, Đan Mạch tuyên bố ngừng khai thác dầu khí ở Biển Bắc. "Đây là bước tiến lớn tiếp theo cho ngành công nghiệp turbine gió Đan Mạch. Chúng tôi đang dẫn đầu về turbine gió trên cạn và đang dịch chuyển sang turbine gió ngoài khơi", giáo sư Ostergaard chia sẻ.

Theo dự kiến, hòn đảo sẽ đi vào hoạt động năm 2033. Ngoài ra, một đảo năng lượng nhỏ hơn cũng đang được lên kế hoạch xây dựng ở ngoài khơi đảo Bornholm trên biển Baltic, phía đông Đan Mạch. Chính phủ Đan Mạch đã ký thỏa thuận cung cấp điện từ đảo đó cho các nước Đức, Bỉ và Hà Lan.

Tháng 11/2020, Liên minh châu Âu thông báo kế hoạch tăng gấp 5 lần sản lượng điện gió vào năm 2030 và gấp 25 lần vào năm 2050. Năng lượng tái tạo đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu điện của toàn khối hiện nay.

An Khang (Theo BBC)

Theo Vnepress