Tim thai thường xuyên được bác sĩ theo dõi trong quá trình chuyển dạ để phát hiện ra các vấn đề nguy hiểm và có phương án chữa trị kịp thời.

Bạn thắc mắc vì sao cần phải đo tim thai trong quá trình bạn chuyển dạ? Điều này là cần thiết cho cả bạn và em bé sắp sinh. Hãy cùng Hello Bacsi theo dõi những chia sẻ dưới đây để hiểu thêm về điều này nhé.

Theo dõi tim thai

Bác sĩ sẽ theo dõi thai nhi trong suốt thời gian chuyển dạ. Cách làm việc này dễ nhất là theo dõi nhịp tim của thai nhi. Điều này giúp xác định chắc chắn rằng bé cưng của bạn vẫn ổn.

Bác sĩ có thể theo dõi từ bên ngoài hoặc bên trong. Theo dõi bên ngoài có nghĩa là các cảm biến theo dõi sẽ nằm bên ngoài cơ thể bạn, còn theo dõi bên trong là các cảm biến được đặt bên trong cơ thể bạn. Hầu hết phụ nữ mang thai đều được theo dõi bên ngoài. Theo dõi bên trong chỉ được sử dụng khi có một lý do đặc biệt gì đó hoặc khi bác sĩ cần thông tin chính xác hơn.

Theo dõi bên ngoài

Cách theo dõi đơn giản nhất là sử dụng ống nghe tim thai. Bác sĩ sẽ đặt một ống nghe đặc biệt hoặc một thiết bị được gọi là đầu dò Doppler lên bụng bạn để lắng nghe nhịp tim của em bé. Việc này sẽ được thực hiện vào một số thời điểm nhất định trong quá trình chuyển dạ, chẳng hạn như 30 phút một lần. Nếu có các vấn đề phát sinh, bạn sẽ được kiểm tra thường xuyên hơn. Một số phụ nữ thích phương pháp này bởi họ có thể di chuyển xung quanh trong thời gian chuyển dạ.

Cách theo dõi phổ biến nhất là theo dõi điện tim của thai. Với cách này, 2 dải thắt lưng có chứa các thiết bị theo dõi rất nhỏ sẽ được gắn chặt lên bụng của bạn. Nhịp tim của bé sẽ được theo dõi liên tục. Thiết bị sẽ ghi cả nhịp tim của bé lẫn các cơn co thắt của bạn. Điều này giúp bác sĩ kiểm tra xem bé đang phản ứng như thế nào. Các cảm biến vẫn được đặt trên bụng bạn trong suốt quá trình chuyển dạ. Do đó, bạn phải nằm trên giường hầu hết thời gian.

Theo dõi bên trong

Một điện cực nhỏ sẽ được đặt trực tiếp lên em bé để theo dõi nhịp tim. Máy cảm biến sẽ được gắn vào chân của bạn. Điện cực được luồn qua cổ tử cung, vào tử cung và gắn với da đầu em bé. Một ống nhỏ có thể được chèn vào để đo sự co thắt. Phương pháp này cung cấp số liệu chính xác về nhịp tim của bé và các cơn co thắt của người mẹ.

Phương pháp này thường được thực hiện nếu phương pháp theo dõi bên ngoài không hiệu quả. Nguyên nhân có thể là do bạn di chuyển rất nhiều hoặc do bạn béo phì. Bác sĩ cũng có thể muốn biết thông tin chính xác hơn vì những lý do khác. Phương pháp này chỉ có thể được sử dụng nếu cổ tử cung của bạn đang giãn nở và nước ối đã vỡ.

Ưu và nhược điểm của đo tim thai

Một số phụ nữ không muốn bị theo dõi tim thai liên tục bởi việc theo dõi khiến họ không thể di chuyển xung quanh. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ muốn bạn thực hiện điều này. Nếu bạn không muốn bị theo dõi, hãy nói chuyện với bác sĩ càng sớm càng tốt.

Theo dõi nhịp tim của thai nhi có thể phát hiện ra những vấn đề không ổn. Nếu có gì đó bất thường, bác sĩ có thể quyết định cho bạn sinh sớm. Ngoài ra, việc theo dõi còn có thể giúp bác sĩ quyết định xem bạn có nên dùng thuốc để tăng tốc độ chuyển dạ hoặc sử dụng kẹp hay máy hút bé ra không.

Nên theo dõi bằng phương pháp nào?

Bạn không cần theo dõi liên tục nếu:

  • Trong quá trình mang thai bạn gặp ít rủi ro.
  • Bạn không gặp phải biến chứng trong thời gian chuyển dạ.

Bạn sẽ cần theo dõi liên tục nếu:

  • Trong quá trình mang thai bạn gặp nhiều rủi ro.
  • Xuất hiện biến chứng trong quá trình chuyển dạ.
  • Bạn gây tê ngoài màng cứng.
  • Bạn phải dùng thuốc (oxytocin/Pitocin) để kích thích hoặc tăng tốc độ chuyển dạ.

Nhịp tim của bé như thế nào là bình thường?

  • Nhịp tim thai từ 110 đến 160 mỗi phút.
  • Nhịp tim tăng lên khi bé di chuyển.
  • Nhịp tim tăng lên trong những cơn co thắt.
  • Nhịp tim trở lại bình thường sau khi bé di chuyển hoặc sau khi co lại.
  • Có các cơn co thắt mạnh và thường xuyên trong khi chuyển dạ.

Nhịp tim thai như thế nào là không bình thường?

  • Nhịp tim ít hơn 110 nhịp mỗi phút.
  • Nhịp tim hơn 160 nhịp mỗi phút.
  • Nhịp tim không đều hoặc không tăng khi bé di chuyển hoặc trong các cơn co thắt.

Khi nào bác sĩ cần can thiệp?

Nhịp tim thay đổi không đồng nghĩa với việc bạn đang gặp phải vấn đề. Nhiều khi tình trạng này là do tự nhiên, chẳng hạn như nhịp tim tăng lên khi bé di chuyển hoặc trong khi co thắt. Nếu nhịp tim của bé tăng rất nhanh hoặc giảm xuống nhanh thì bác sĩ có thể đề nghị bạn:

  • Thay đổi tư thế.
  • Bổ sung thêm oxy
  • Ngừng sử dụng oxytocin
  • Uống thuốc để thư giãn tử cung. Điều này làm giảm các cơn co thắt.
  • Rót chất lỏng vô trùng vào tử cung nếu nước ối đã vỡ.

Nếu những can thiệp trên không hữu ích, bác sĩ có thể cân nhắc đến việc đẩy nhanh quá trình sinh con. Để làm điều này, bác sĩ sẽ sử dụng các vật dụng hỗ trợ như kẹp hoặc máy hút để kéo bé ra thay vì chờ đợi các cơn co thắt để đẩy bé ra hoặc bác sĩ sẽ chỉ định bạn sinh mổ.

Theo Hellobacsi