Hiện Dương Ngọc Thái làm việc tại Google với vị trí kỹ sư an toàn thông tin, là một chuyên gia nghiên cứu an ninh phần mềm.

Ngày 22/6, tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra quyết định tạm thời đình chỉ cấp visa lao động mới, qua đó ngăn cản hàng trăm ngàn lao động nước ngoài tìm kiếm được việc làm tại Mỹ. Đây là động thái được cho là để hạn chế nhập cư, cũng như bảo vệ việc làm trong nước.

Quyết định mới của tổng thống Trump sẽ chặn thị thực của rất nhiều ngành nghề - bao gồm cả lập trình viên và các lao động kỹ năng cao, giàu kinh nghiệm đang làm việc dưới dạng visa H-1B, visa H-2B (lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp), visa J-1 (trao đổi văn hóa), và visa L-1 (quản lý và nhân sự then chốt trong các tập đoàn đa quốc gia).

Mới đây trên trang VnExpress, kỹ sư an ninh mạng Dương Ngọc Thái có bài viết chia sẻ về loại hình visa này. Nhiều gia đình tại các nước đầu tư cho con sang Mỹ học, cốt chỉ mong tìm được việc làm có tài trợ H1B. Theo anh, phương án này an toàn và ít tốn kém hơn so với những con đường khác, vì từ H1B chuyển sang thẻ xanh thủ tục rất đơn giản, đối với người Việt chỉ cần chờ 1-2 năm.

Dương Ngọc Thái vốn là kỹ sư an ninh mạng người Việt tại Google cũng là hacker nổi tiếng. Con đường hoàn thành giấc mơ Mỹ của anh cũng thú vị và truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ.

Giấc mơ Mỹ của hacker nổi tiếng người Việt: Không bằng đại học, nghỉ việc ngân hàng, tìm được việc nhờ Twitter và bến đỗ tại Google - Ảnh 1.

Tháng 10 năm 2010, Dương Ngọc Thái nghỉ việc ở một ngân hàng tại Tp.HCM rồi không tìm được việc khác. Sau khi thất nghiệp hơn một tháng, ra nước ngoài làm việc trở thành chuyện phải thử cho biết với anh. Dương Ngọc Thái bắt đầu phỏng vấn ở một ngân hàng của Anh. Cuộc phỏng vấn diễn ra khá suôn sẻ nhưng phía ngân hàng không hề đề cập gì về ký hợp đồng và làm giấy tờ cho đến khi anh đã đến Mỹ.

Với người Mỹ, phong cách hoàn toàn ngược lại. Dương Ngọc Thái gửi email cho một đồng nghiệp ở Mỹ khi thấy anh đăng trên Twitter cần tuyển người, không ngờ 5 phút sau đã nhận được cuộc gọi hỏi về phỏng vấn. Anh không nghĩ mình sẽ được tuyển dụng cho đến khi nhận được thư mời nhận việc và ngay lập tức đồng ý.

"Sau này tôi mới biết mức lương đó cao hơn mặt bằng chung của nước Mỹ, nhưng ở nơi tôi sống thì cũng chỉ trung bình thôi, trừ thuế má, nhà cửa, sinh hoạt thì chỉ dư dả chút đỉnh. Tính ra lương khởi điểm như vậy là khá công bằng", Dương Ngọc Thái viết.

Sau khi được nhận việc, bước tiếp theo của hành trình là làm giấy tờ để có một visa cho phép làm việc. Phía công ty Mỹ đã thuê luật sư để làm giấy tờ cho Dương Ngọc Thái và anh cần làm visa H1B. Anh phải chuẩn bị một loạt giấy tờ trong đó có bằng đại học- thứ mà Dương Ngọc Thái không có. Điều may mắn là hồ sơ của anh vẫn làm được H1B vì có thể chứng minh năng lực tương đương đại học.

Tuy không có bằng nhưng Dương Ngọc Thái vẫn về trường để lấy bảng điểm để chứng minh là có học đại học. Từ bảng điểm này và một số thứ khác, công ty thuê giáo sư viết một bảng đánh giá dài mấy chục trang về cá nhân anh.

Giấc mơ Mỹ của hacker nổi tiếng người Việt: Không bằng đại học, nghỉ việc ngân hàng, tìm được việc nhờ Twitter và bến đỗ tại Google - Ảnh 2.

Công ty nộp H1B cho Dương Ngọc Thái vào cuối tháng 12. Đúng quy trình thì phải đợi đến tháng 10 năm sau mới có kết quả. Mỗi năm nước Mỹ chỉ cấp 65 nghìn visa H1B trong khi số người nộp hồ sơ lên đến vài trăm nghìn. Thế nhưng anh một lần nữa lại gặp may khi chỉ sau vài ngày hồ sơ đã được chấp thuận. Thời điểm năm 2010 nước Mỹ đang ở giữa một cuộc đại khủng hoảng, các công ty hầu như không thuê lao động nước ngoài nên vẫn còn suất H1B cho đến thời điểm cuối năm.

Quay trở lại quyết định đóng băng visa lao động nước ngoài, Tổng thống Trump giải thích là để đảm bảo việc làm cho người Mỹ. "Trong bối cảnh nền kinh tế chịu tổn hại nặng nề từ đại dịch, các chương trình di dân sẽ gây tạo ra rủi ro bất thường đối với triển vọng việc làm của người Mỹ," - trích thông báo của tổng thống Trump.

Tuy nhiên, chính sách này vấp phải sự phản đối của các chủ doanh nghiệp, khi cho rằng khả năng tuyển dụng lao động cần thiết tại nước ngoài sẽ bị hạn chế đi rất nhiều, đặc biệt là với các công việc người Mỹ bản địa không sẵn lòng thực hiện.

"Đây là một đòn đánh trực diện vào sự đổi mới của nước Mỹ, cũng như khả năng thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới," - Todd Schulte, chủ tịch tập đoàn nhập cư FWD.us chia sẻ.

"Việc đưa ra thông điệp 'không chào đón' với các kỹ sư, chuyên gia công nghệ, bác sĩ, y tá và nhiều ngành nghề khác không giúp ích gì cho đất nước, mà sẽ kìm hãm sự phát triển," - trích lời Thomas J. Donohue, giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ. "Những hạn chế trong hệ thống nhập cư sẽ đẩy đầu tư ra thị trường nước ngoài, làm giảm tốc độ phát triển và khả năng tạo việc làm."

Nhà chức trách cho biết, quyết định mới của tổng thống Trump sẽ không ảnh hưởng đến những người đã có sẵn visa hợp lệ, hoặc các công nhân trong ngành thực phẩm - chiếm 50.000 vào mùa thấp điểm tới 250.000 lao động trong 15 năm qua. Ngoài ra, sẽ có một số ngoại lệ dành cho nhân viên y tế đang hỗ trợ nghiên cứu chống lại đại dịch Covid-19.

Là người sống ở Mỹ 10 năm, Dương Ngọc Thái cho rằng chính sách của tổng thống Trump không ảnh hưởng đến anh, nhưng ảnh hưởng đến nhiều người Việt. Rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp người Việt của anh đã và đang giữ visa H1B hoặc đang chờ nộp vào năm sau. H1B là ước mơ của nhiều du học sinh Việt muốn ở lại Mỹ. 

Bỏ dở ngành công nghệ thông tin (Đại học Bách Khoa TP.HCM) nhưng không ngừng tự học, năm 23 tuổi Dương Ngọc Thái đảm nhận vị trí Trưởng phòng An toàn thông tin ở Ngân hàng Đông Á. Hai mươi bảy tuổi (năm 2010), một kỹ thuật tấn công mạng của Dương Ngọc Thái và cộng sự người Argentina đã được cộng đồng an ninh mạng bầu chọn là kỹ thuật số một thế giới. Sau đó không lâu, Thái bước vào Silicon Valley (Mỹ).

Làm việc tại Google với vai trò kỹ sư an toàn thông tin, là một chuyên gia nghiên cứu an ninh phần mềm, Dương Ngọc Thái đã có nhiều phát hiện ảnh hưởng sâu rộng đến sự an toàn của internet, được trích dẫn trong nhiều bài báo khoa học, được đưa vào giảng dạy ở các đại học danh tiếng và đăng tải trên các tờ báo lớn trên thế giới. Trong đó được biết đến nhiều nhất là bộ ba kỹ thuật tấn công mang tên BEAST, CRIME và POODLE.

Theo CafeBiz