Những tháng đầu tiên sau khi chào đời là giai đoạn cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên đây cũng là giai đoạn thích nghi của bé đối với thế giới bên ngoài. Trong những ngày tháng đầu tiên khi mới bước ra thế giới, bé sẽ vô cùng lạ lẫm với mọi thứ xung quanh. Đây là lúc mà bé sẽ phải bắt đầu làm quen với thế giới bên ngoài và học cách thích nghi với một môi trường sống khác hẳn với thời gian 9 tháng 10 ngày bé nằm trong bụng mẹ. Trước khi con có thể thích nghi hoàn toàn, sẽ có hàng loạt các vấn đề “rình rập” đe dọa bé cưng và một trong số đó là vấn đề về tiêu hóa.

1.000 ngày đầu đời, trẻ sẽ thích nghi như thế nào?

Ngoài việc làm quen với những yếu tố về môi trường như âm thanh, nhiệt độ hay với ba mẹ, 1.000 ngày đầu tiên là lúc mà cơ thể trẻ học cách thích nghi với cuộc sống. Điều này sẽ cần đến sự phối hợp của nhiều hệ cơ quan trong cơ thể như: hệ hô hấp, hệ tim mạch, khả năng điều hòa thân nhiệt, hệ miễn dịch…

Ở giai đoạn này, hầu hết các cơ quan vẫn đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện, đặc biệt là hệ tiêu hóa. Nếu như trước đây, khi còn nằm trong bụng mẹ, bé sẽ được nuôi dưỡng bằng dưỡng chất cung cấp qua dây rốn và nhau thai thì giờ đây bé sẽ phải tiếp xúc trực tiếp với thức ăn thông qua việc bú mẹ hoặc sữa công thức (trong trường hợp mẹ không thể cho bé bú) để đáp ứng các nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.

Các vấn đề về tiêu hóa trong giai đoạn thích nghi tự nhiên liên quan đến sữa mẹ và sữa công thức

Dù là bú sữa mẹ hay bú sữa công thức, do hệ tiêu hóa vẫn còn non nớt và đang trong giai đoạn thích nghi với nhiều thay đổi, trẻ vẫn rất dễ gặp phải các vấn đề về tiêu hóa. Tùy thể trạng của từng trẻ mà có thể xảy ra các tình trạng như bỏ bú, bú kém, trớ sữa, nôn, tiêu chảy hay táo bón. Tuy nhiên, những biểu hiện này nếu xảy ra do giai đoạn thích nghi tự nhiên sẽ không kéo dài và không có các dấu hiệu nghiêm trọng của bệnh lý.

Ví dụ như táo bón – vấn đề ở trẻ sơ sinh dùng sữa công thức khiến rất nhiều bố mẹ lo lắng. Nhiều bố mẹ ngay khi thấy con chậm đi ngoài trong 2 – 3 ngày đã vội vàng kết luận là con bị táo bón và ngay lập tức đổi sữa cho con vì nghi đây là nguyên nhân. Thực tế, trẻ dưới 4 tuổi chỉ được xác định là bị bệnh táo bón khi có ít nhất 2 biểu hiện sau, kéo dài trong ít nhất 1 tháng: đại tiện dưới 2 lần/tuần, có tiền sử nhịn đại tiện quá mức, gặp khó khăn và đau khi đi đại tiện (phải dùng sức để rặn khiến hậu môn bị đau rát, trẻ đỏ mặt và khóc…), đi ngoài ra khối phân có kích thước lớn…

Mẹ cần làm gì để giúp bé phát triển tối đa trong giai đoạn thích nghi quan trọng này?

Để giúp bé nhanh chóng thích nghi với cuộc sống bên ngoài bụng mẹ và giúp còn phát triển tối đa trong giai đoạn thích nghi với nhiều các vấn đề tiêu hóa kể trên, bạn có thể áp dụng một số bí quyết sau của Hello Bacsi:

  • Duy trì cho bé bú mẹ: Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh trong 6 tháng đầu và có thể giúp trẻ tránh gặp phải các vấn đề về tiêu hóa. Nếu bé đi phân xanh, lỏng, nhiều khả năng là con đang uống quá nhiều sữa đầu. Trong trường hợp này, trước khi cho con bú, bạn hãy vắt bớt sữa đầu để bé có thể bú lượng sữa cuối được nhiều hơn. Điều này làm tăng lượng chất béo mà bé nhận được, làm cho quá trình tiêu hóa diễn ra chậm hơn và giúp cơ thể nhanh chuyển đổi lactose trong sữa thành các dưỡng chất cần thiết.
  • Cân nhắc khi chọn sữa công thức: Trong trường hợp cần thiết, ba mẹ có thể dùng thêm sữa công thức. Khi chọn sữa, cần đọc kỹ các thành phần ghi trên bao bì, cân nhắc chọn sản phẩm sữa ghi rõ thành phần chất béo trên bao bì như dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu dừa… và tránh những sản phẩm chứa dầu cọ (thường được ghi không rõ ràng là “dầu thực vật”, thành phần này làm trầm trọng hơn những triệu chứng táo bón ở trẻ trong giai đoạn thích nghi).
  • Pha sữa theo đúng hướng dẫn ghi trên bao bì: ba mẹ cần tránh tình trạng pha quá loãng hoặc quá đặc. Nếu pha quá loãng, trẻ sẽ không được cung cấp đủ dưỡng chất còn nếu pha quá đặc, trẻ sẽ rất dễ bị thiếu nước, sinh ra các chứng táo bón, chán ăn, sợ sữa do quá ngán. Ngoài ra, bạn cũng nên quan tâm đến nhiệt độ của nước khi pha sữa bởi nếu nước quá nóng, các dưỡng chất sẽ bị mất trong khi nước quá lạnh lại làm cho sữa dễ bị vón cục, khiến bé khó hấp thu.
  • Bình tĩnh, kiên nhẫn và tránh đổi sữa ngay khi thấy con gặp những vấn đề tiêu hóa: Việc con gặp những vấn đề tiêu hóa như táo bón hay tiêu chảy chỉ là một dấu hiệu cho thấy con trong giai đoạn thích nghi. Nếu ba mẹ vội kết luận là do sữa công thức và ngay lập tức đổi sữa mới, con sẽ phải trải qua một quá trình thích nghi khác, và do đó, các vấn đề về tiêu hóa kéo dài.

Tóm lại, việc con đối mặt với những vấn đề về tiêu hóa trong giai đoạn thích nghi là một hiện tượng phổ biến. Con chỉ đang trải qua một giai đoạn tự nhiên trong quá trình khôn lớn mà thôi. Khi đó, bố mẹ cần kiên nhẫn theo dõi và có hành động phù hợp, tránh chọn sữa có dầu cọ hay những quyết định vội vàng như đổi sữa mới, vốn làm kéo dài giai đoạn thích nghi này nhé.

Hầu hết những người lần đầu làm cha mẹ nhìn phân của con đều ngạc nhiên. Lý do là vì nó có nhiều sắc thái và không nhất quán nên ngay cả người có kinh nghiệm cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Để biết phân trẻ sơ sinh như thế nào là tốt, mời bạn tham khảo bài viết: Phân trẻ sơ sinh như thế nào là tốt?

Theo Hellobacsi