Không phải cứ cắm điện vào là đèn bắt muỗi sẽ phát huy tác dụng mà chị em phải để ý điều quan trọng này.

Mùa mưa lại đến, và ngoài những vấn đề như nồm ẩm, mốc tường, đồ đạc hay quần áo phơi mãi chẳng khô, nhiều gia đình còn khốn khổ vì bị muỗi và các loại côn trùng làm phiền.

Trên thị trường hiện cũng đã có rất nhiều sản phẩm để đuổi muỗi như nhang, thuốc xịt, tinh dầu… Tuy nhiên, không phải ai cũng thích dùng vì có mùi ám trong phòng. Các loại máy đuổi muỗi bằng âm thanh thì hoàn toàn vô tác dụng, còn vợt muỗi thì chỉ dùng được khi mọi người còn đang thức, chứ đi ngủ thì không.

Hóa ra đèn bắt muỗi không dễ dùng như tưởng tượng, bảo sao nhiều chị em than trời tốn tiền mà vô dụng - Ảnh 1.
Thay vì dùng hóa chất hay nhang gây mùi khó chịu, một chiếc đèn bắt muỗi có thể mang lại hiệu quả cao hơn nhiều.

Vì thế, một chiếc đèn bắt muỗi có vẻ là lựa chọn phù hợp hơn cả, vừa diệt được những con côn trùng mà vừa không gây mùi, không dùng hóa chất, tiết kiệm điện và an toàn hơn với con trẻ.

Đèn bắt muỗi hoạt động thế nào?

Về cơ bản, đèn bắt muỗi loại phổ biến nhất chỉ có 3 thành phần chính: Đèn thu hút côn trùng, lưới điện và lồng bảo vệ bên ngoài.

Lũ muỗi và nhiều loài côn trùng bay sẽ bị hấp dẫn bởi ánh đèn, bay vào, va chạm với lớp lưới điện và bị nướng chín (tương tự như khi dùng vợt muỗi).

Hóa ra đèn bắt muỗi không dễ dùng như tưởng tượng, bảo sao nhiều chị em than trời tốn tiền mà vô dụng - Ảnh 3.
Muỗi sẽ bị thu hút bởi ánh đèn mà lao vào "tự sát" trong lồng chứa hoặc lớp lưới điện.

Ngoài ra, còn có loại đèn bắt muỗi sử dụng cánh quạt hút muỗi thay vì dùng lưới điện. Lũ muỗi lúc này  bị nhốt ở trong lồng chứa, khoảng nửa ngày sau sẽ chết vì đói.

Điều quan trọng nhất để đèn bắt muỗi hoạt động hiệu quả?

Nhiều người sau khi mua đèn bắt muỗi về phàn nàn là nó chẳng có tác dụng gì. Lý do là bởi họ chưa biết cách để giúp đèn hoạt động hiệu quả nhất: Phải tắt hết các loại đèn khác trong phòng.

Như đã nói ở trên, muỗi và côn trùng bị hấp dẫn bởi những ánh đèn, thế nên khi trong phòng vẫn bật một hay nhiều chiếc đèn thường khác thì đèn bắt muỗi bỗng trở nên “kém thu hút” hơn. Mà muỗi không bay vào đèn nữa thì tất nhiên chúng vẫn nhởn nhơ xung quanh đợi hút máu cả nhà thôi.

Hóa ra đèn bắt muỗi không dễ dùng như tưởng tượng, bảo sao nhiều chị em than trời tốn tiền mà vô dụng - Ảnh 4.
Điều tối kị khi dùng đèn bắt muỗi là có nhiều nguồn sáng khác xung quanh. Lúc này muỗi sẽ không còn bị hấp dẫn bởi chiếc đèn nữa.

Kể cả dùng đèn bắt muỗi ngoài trời hay trong nhà cũng vậy, luôn phải đảm bảo môi trường thật tối, không có các nguồn sáng nhân tạo xung quanh để hiệu quả diệt muỗi, côn trùng được hiệu quả nhất.

Còn cần lưu ý gì không?

Dù đã có bộ vỏ nhựa bảo vệ bên ngoài nhưng nếu nhà có trẻ con, chị em vẫn nên để đèn bắt muỗi xa khỏi tầm với, tránh để trẻ nghịch, thò tay vào. Tốt nhất, hãy dùng dây treo lên cao vì muỗi thường không bay sát mặt đất.

Hóa ra đèn bắt muỗi không dễ dùng như tưởng tượng, bảo sao nhiều chị em than trời tốn tiền mà vô dụng - Ảnh 5.
Hãy chọn mua những loại đèn có vỏ bền chắc, khe hở nhỏ và treo được lên cao hay đặt trên kệ tủ, những nơi trẻ con không với tới được.

Liên tục thay đổi vị trí để đèn phát huy tác dụng hiệu quả. Mỗi đèn chỉ có tác dụng trong khoảng không gian nhỏ, dưới 20m2 nên nếu nhà rộng hoặc nhiều phòng, hãy mua vài chiếc đèn cho chắc ăn.

Đèn bắt muỗi cũng cần vệ sinh, bảo dưỡng. Hãy sử dụng khăn ẩm để lau sạch lớp vỏ và các thành phần bên trong, đồng thời thay bóng đèn định kì theo hướng dẫn của nhà sản xuất để giữ được khả năng thu hút côn trùng.

Nên mua đèn bắt muỗi thương hiệu nào?

Thị trường hiện nay có hàng chục loại đèn bắt muỗi khác nhau, đến từ thương hiệu khác nhau. Một số loại giá siêu rẻ bán tràn lan trên mạng thường chẳng có thương hiệu gì và phần lớn đều là hàng kém chất lượng, không rõ xuất xứ, chị em nên tránh xa.

Hóa ra đèn bắt muỗi không dễ dùng như tưởng tượng, bảo sao nhiều chị em than trời tốn tiền mà vô dụng - Ảnh 6.
Chị em có thể tìm mua loại Made in Việt Nam từ Đại Sinh hay Điện Quang...
Hóa ra đèn bắt muỗi không dễ dùng như tưởng tượng, bảo sao nhiều chị em than trời tốn tiền mà vô dụng - Ảnh 7.
... hoặc từ các thương hiệu nước ngoài, ví dụ như dòng Xiaomi này, kết hợp cả đèn bắt muỗi lần vợt muỗi vào làm 1 mà thiết kế siêu xinh xắn.

Thay vào đó, một vài lựa chọn tiêu biểu đến từ những thương hiệu nổi tiếng như Philips, Kill Pest, Comet, Xiaomi hoặc hàng Made in Việt Nam như Đại Sinh hay Điện quang. Hầu hết đều có giá khoảng 300.000 - 700.000 đồng tùy thương hiệu, tính năng và kích cỡ, được bày bán ở những cửa hàng, siêu thị điện máy hoặc trên các trang TMĐT.

Theo Afamily