Trong một số trường hợp, nốt ruồi thường được xem là biểu tượng của sắc đẹp. Nó có thể đã tồn tại trên cơ thể bạn từ khi sinh ra hoặc cũng có thể xuất hiện và mờ dần theo thời gian. Nốt ruồi đôi khi cũng xuất hiện do sự thay đổi nội tiết của cơ thể trong quá trình dậy thì, mang thai và lão hóa. Vậy, các mẹ bầu mọc nốt ruồi khi mang thai có nguy hiểm hay không?

Nốt ruồi hầu hết đều vô hại, ngoại trừ một số trường hợp hiếm gặp, nốt ruồi trở thành dấu hiệu của ung thư. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu sự liên quan giữa mang thai và nốt ruồi xuất hiện trên cơ thể các mẹ bầu trong thai kỳ nhé!

Nốt ruồi là gì?

Nốt ruồi là những mảng nhỏ hoặc đốm lành tính trên da. Đây là những màu nâu sẫm hình thành do sự tập hợp của các tế bào melanocyte (tế bào biểu bì tạo hắc tố). Những tế bào này là yếu tốt quyết định màu da của mỗi người.

Nốt ruồi có khả năng di truyền và được di truyền từ cha mẹ. Nốt ruồi có thể có hình dạng, kích thước bất kỳ và có số lượng dao động từ 10 đến 100. Chúng có thể phẳng hoặc phồng, thô hoặc nhẵn và một số có thể có lông.

Nguyên nhân các mẹ bầu mọc nốt ruồi khi mang thai

Trong thời gian mang thai, rất nhiều nốt ruồi mới có thể xuất hiện trên cơ thể bạn, đặc biệt là ở vùng bụng và ngực. Bên cạnh đó, các nốt ruồi đã có trên cơ thể có thể trở nên tối màu và phát triển to ra.

Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng vì:

  • Sự thay đổi này thường lành tính, xảy ra do sự thay đổi hormone và cấu trúc cơ thể của các mẹ bầu.
  • Hầu hết các nốt ruồi mới hình thành trong thời gian mang thai sẽ biến mất sau khi sinh, những nốt ruồi này thường mọc đối xứng nhau.

Lưu ý là nếu quan sát thấy các nốt ruồi không đối xứng trên cơ thể thay đổi màu sắc và hình dạng quá thường xuyên, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu.

Khi nào nốt ruồi trở nên có hại?

Hầu hết các nốt ruồi đều vô hại và không gây ung thư. Trong một số ít trường hợp, những nốt ruồi lành tính này có thể phát triển thành ung thư hắc tố, đây là một dạng ung thư da nghiêm trọng.

  • U ung thư hắc tố là một mảng tối màu (như nốt ruồi) phát triển rất nhanh.
  • U ung thư có thể mới xuất hiện hoặc đã có từ lâu. Nó thường ngứa, chảy máu hoặc chuyển sang màu đỏ.
  • Ung thư hắc tố có thể được điều trị ở giai đoạn đầu, vì khi đó, các khối u vẫn chỉ mới tồn tại trên bề mặt da.
  • Nếu không được điều trị sớm, ung thư hắc tố có thể lan vào các lớp da sâu hơn. Cuối cùng nó có thể di căn khắp cơ thể.

Xuất hiện khối u ác tính trong thai kỳ

Biểu hiện của ung thư hắc tố ở phụ nữ mang thai cũng giống hệt với những dấu hiệu ở người bình thường. Do đó, bạn cần chú ý những điều sau:

  • Nếu cơ thể bạn xuất hiện những đốm hoặc mảng da có hình dạng, kích thước thay đổi thường xuyên, chảy máu, đau hoặc lở loét, hãy đến gặp bác sĩ da liễu để được kiểm tra càng sớm càng tốt.
  • Bạn có thể sử dụng quy tắc ABCDE để tự đánh giá sự xuất hiện của nốt ruồi khi mang thai:
    • A – Asymmetry (Bất đối xứng): Nốt ruồi lành tính có dạng đối xứng nhau, tuy nhiên các khối u ác tính lại thường bất đối xứng. Để kiểm tra độ đối xứng của nốt ruồi, bạn có thể vẽ một đường thẳng qua tâm, chia nốt ruồi làm 2 phần, từ đó bạn có thể đánh giá mức độ đối xứng của chúng một cách dễ dàng hơn.
    • B – Border (Đường viền): Các nốt ruồi lành tính có bề mặt và viền nhẵn. Trong khi đó, các u ác tính có viền hoặc cạnh không rõ ràng, không đều, thường có dạng vỏ sò hoặc chữ V.
    • C – Color (Màu sắc): Nốt ruồi bình thường có màu đồng đều nhau, thường là màu nâu. Tuy nhiên, các u ung thư hắc tố lại có màu loang lổ không đều, không giống nhau ở bề mặt nốt. U ung thư ác tính có thể có nhiều màu sắc khác nhau như đỏ, trắng, xanh, nâu hoặc đen.
    • D – Diameter (Đường kính): Các u ác tính thường có đường kính lớn hơn 6mm, đôi khi cũng có thể nhỏ hơn một chút.
    • E – Enlargement hoặc Evolving (Lan rộng/Tiến triển): Các u ác tính thường thay đổi về hình dạng, kích thước hoặc màu sắc. Nếu quan sát thấy những sự thay đổi  này trên da, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu ngay.

Bằng phương pháp đánh giá đơn giản này, bạn có thể biết rằng liệu nốt ruồi mới mọc trong thai kỳ có gây nguy hiểm cho bạn và em bé hay không.

Hello Bacsi hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp các mẹ bầu cảm thấy yên tâm hơn khi phát hiện các nốt ruồi mới xuất hiện trên da của mình. Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Phương Quỳnh/HELLO BACSI

Theo Hellobacsi