Trẻ con thường rất thích chơi đùa cùng thú nuôi. Thế nhưng có khá nhiều vấn đề nảy sinh xảy ra với các bé khi ở cạnh những người bạn bốn chân này, chẳng hạn như bị bọ chét cắn. Những vết đốt sẽ khiến bé cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu vô cùng. Vậy làm sao để giải quyết vấn đề này?

Bọ chét là loài ký sinh trên cơ thể động vật có vú, chúng tồn tại chủ yếu nhờ hút máu vật chủ hoặc người. Do vậy, đừng quá ngạc nhiên khi biết bộ lông rậm rạp của thú cưng, giường ngủ ấm áp của bạn là nơi ẩn náu lý tưởng của sinh vật đáng ghét này.

Khi trẻ bị bọ chét cắn, nếu không được chăm sóc đúng cách có thể làm cho nốt mụn đỏ ngày càng sưng tấy, đau nhói khi chạm vào. Ngoài ra, một số bé còn có thể bị phát ban, lở loét xung quanh vết cắn. Rất may là vẫn có những biện pháp đơn giản tại nhà khắc phục vấn đề này, mời bạn cùng tham khảo:

1. Dùng nha đam (lô hội) chữa trẻ bị bọ chét cắn

Lô hội là thứ “thần dược” diệu kỳ chữa lành mọi vấn đề về da, kể cả trường hợp bị bọ chét cắn. Với đặc tính sát trùng nên gel lô hội có thể chữa lành vết côn trùng đốt. Mặt khác, thành phần này cũng có khả năng làm giảm viêm, giảm ngứa rất tốt.

Vì vậy, khi phát hiện trẻ bị bọ chét đốt (biểu hiện là nốt mụn đỏ, tụ lại thành 3-4 nốt hoặc một đường thẳng), mẹ hãy nhanh chóng bẻ một nhánh lô hội và xoa trực tiếp lên vùng da tổn thương. Nếu nhà không trồng sẵn nha đam, bạn có thể thay bằng loại gel đóng chai.

2. Chườm lạnh

Chườm lạnh là giải pháp rất hữu hiệu cho những ai bị bọ chét cắn. Theo đó, nhiệt độ lạnh giúp giảm cảm giác đau, ngứa tức thì bằng cách làm tê liệt dây thần kinh. Tuy nhiên, trước khi thực hiện bạn nên rửa vùng da bị tổn thương với nước ấm và xà phòng.

Chú ý: Bạn tuyệt đối tránh dùng đá lạnh đặt trực tiếp lên da trẻ. Trong trường hợp không có túi chườm, bạn chỉ cần gói vài viên đá trong một chiếc khăn sạch hoặc túi ni lông. Thời gian chườm sẽ dao động khoảng 5-10 phút/lần và nên lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày.

3. Túi trà đã qua sử dụng

Nhiều người sau khi pha trà túi lọc xong thường có thói quen vứt bỏ túi trà. Hãy dừng ngay hành động này vì bạn đã vô tình đánh mất một “vị thuốc” tuyệt vời rồi đấy!

Từ nghìn xưa, người ta đã biết dùng bã trà để chữa nhiều vấn đề về da vì trà có đặc tính kháng viêm, trị dị ứng. Vậy nên, nếu chẳng may bé yêu nhà bạn bị bọ chét cắn, hãy đặt một túi trà nguội đã qua sử dụng lên vùng da bị ảnh hưởng, chờ ít lâu sẽ thấy những vết sưng tấy thuyên giảm rõ rệt.

4. Bị bọ chét cắn, hãy dùng ngay tinh dầu tràm trà (Tea tree oil)

Bạn có biết việc dùng tinh dầu tràm trà là cách trị bọ chét cắn vô cùng hữu hiệu? Bản thân dầu tràm có đặc tính kháng khuẩn mạnh mẽ nên nó được dùng để chữa lành các vết thương trên da. Loại tinh dầu tuyệt vời này cũng có thể khắc phục tình trạng ngứa, nổi mẩn đỏ ở da trẻ rất tốt. Chỉ cần mẹ thoa một vài giọt dầu lên vết đốt, xoa nhẹ nhàng trẻ sẽ thấy dễ chịu ngay.

5. Tinh dầu hoa oải hương (Lavender oil)

Ngoài dầu tràm thì tinh dầu oải hương cũng là một giải pháp rất tốt trong trường hợp bị bọ chét cắn. Với đặc tính kháng viêm tự nhiên, loại dầu này sẽ làm giảm tình trạng viêm da do vết cắn nhanh chóng. Hơn nữa, hương thơm từ hoa oải hương còn mang lại cảm giác thư thái, dễ chịu nên khi dùng chắc chắn trẻ sẽ dễ ngon giấc hơn vào ban đêm.

6. Nước cốt chanh

Trẻ bị bọ chét đốt nên xử lý thế nào? Đơn giản hãy dùng nước cốt nhanh bạn nhé! Đặc biệt tính axit của nước cốt chanh sẽ giúp cân bằng độ pH ở vùng da nổi mẩn, ngứa. Điều này giúp giảm tình trạng sưng tấy hiệu quả. Cần lưu ý sau khi thoa nước cốt chanh lên vết cắn, bạn không nên để trẻ ra ngoài nắng bởi axit trong chanh dễ bắt nắng gây hiện tượng bỏng da.

7. Sử dụng baking soda: giải pháp cho trẻ bị bọ chét cắn

Baking soda không những là “vũ khí” làm đẹp của nhiều chị em mà còn rất hiệu quả với trẻ bị côn trùng đốt. Đặc tính kháng khuẩn của thứ bột này đã làm cho nó trở thành phương thuốc giảm đau, ngứa an toàn cho trẻ. Các chuyên gia còn cho biết, việc sử dụng baking soda vừa có tác dụng làm lành vết bọ chét cắn, lại ngăn tổn thương không bị bội nhiễm do thói quen gãi ngứa ở trẻ.

8. Giấm táo

Giấm táo được xem là “thần dược” tự nhiên có thể giúp bé yêu giảm ngứa do bị bọ chét cắn. Cũng như chanh, bản thân loại thực phẩm này có tính axit giúp ổn định độ pH của da, từ đó làm giảm tình trạng viêm, ngứa. Tuy nhiên, khi sử dụng mẹ nên pha loãng giấm táo với nước để tránh làm trẻ bị kích ứng. Sau đó, hãy dùng bông tẩy trang hoặc khăn sạch thấm hỗn hợp vừa pha để bôi lên vùng da bị ảnh hưởng.

9. Mật ong

Nếu nhận thấy con bị côn trùng cắn, đừng quên một phương thuốc sẵn có ngay trong gian bếp nhà bạn là mật ong. Với tính kháng khuẩn, chống viêm tự nhiên, mật ong có tác dụng làm giảm kích ứng và phục hồi da. Vì vậy, hãy xoa ngay mật ong lên vùng da bị ảnh hưởng bởi vết đốt. Trẻ nhỏ quấy khóc vào ban đêm do những nốt ngứa khó chịu mẹ cũng có thể dùng mật ong để giảm khó chịu cho trẻ.

10. Điều trị trẻ bị bọ chét cắn bằng bột yến mạch, tại sao không?

Tạp chí Thuốc và Da liễu đã công nhận bột yến mạch là phương thuốc tại nhà vô cùng hiệu quả giúp khắc phục vết bọ chét đốt cùng nhiều vấn đề về da khác. Lý do vì loại bột này sở hữu đặc tính chống viêm và kháng khuẩn tuyệt vời. Nó có thể làm dịu da và giảm triệu chứng ngứa tức thì.

Mặt khác, nhờ khả năng dưỡng ẩm nên bột yến mạch cũng xoa dịu tình trạng nổi mẩn đỏ và kích ứng trên da trẻ. Để sử dụng, mẹ hãy cho bột yến mạch vào sữa chua, trộn đều rồi bôi lên vùng da bị ảnh hưởng nhé!

Trên đây là những gợi ý về cách trị trẻ bị bọ chét cắn tại nhà. Nếu các biện pháp vừa nêu không cho kết quả khả quan, bạn nên lập tức đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra ngay.

Theo Hellobacsi