Mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 3B bốc cháy trong khí quyển và thắp sáng bầu trời bang Queensland.

Một số cư dân ở thị trấn Noosa và thành phố Bundaberg ghi lại khoảnh khắc vệt sáng lao qua bầu trời vào tối ngày 25/2. Nhà vật lý thiên văn Jonti Horner ở Đại học Nam Queensland, cho biết vật thể này là rác vũ trụ đến từ tên lửa Trường Chinh 3B của Trung Quốc. Mảnh vỡ tên lửa dài khoảng 12 m, rộng 3 m khi tiến vào khí quyển Trái Đất và vỡ trong quá trình rơi.

"Đó là một mảnh vỡ tương đối lớn. Nó bay rất nhanh vòng quanh Trái Đất, hạ thấp dần dưới ảnh hưởng của trọng lực. Cuối cùng, mảnh vỡ bốc cháy vào tối ngày 25/2", Horner nói.

Tên lửa Trường Chinh 3B tách thành nhiều tầng trong lúc ở trên quỹ đạo. Tầng đẩy ở đáy tên lửa sẽ rơi trong khí quyển. Các bộ phận còn lại cũng bị vỡ thành mảnh nhỏ nhưng do cháy lâu, chúng tạo thành vệt sáng trên bầu trời.

Horner dự đoán tên lửa sẽ rơi xuống Thái Bình Dương. Ông nhấn mạnh theo dõi rác vũ trụ là vấn đề lớn bởi chúng đe dọa các vệ tinh đang hoạt động. Chẳng hạn Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) từng phải thực hiện một số thao tác điều chỉnh độ cao để tránh va chạm với các mảnh vỡ trong những năm qua.

An Khang (Theo ABC)

Theo Vnepress