Theo Reuters, sự khác biệt trong chính sách của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và ứng cử viên Joe Biden không chỉ giới hạn trên Trái Đất mà trong cả các dự án vũ trụ.

Ngày 3/11 (theo giờ Mỹ), cuộc bầu cử Tổng thống nước này chính thức diễn ra. Ngành công nghiệp vũ trụ Mỹ trị giá hơn 400 tỷ USD này cũng đang "nín thở" chờ đợi kết quả bầu cử Tổng thống.

Trở lại cuộc đua không gian bằng nhiệm vụ đưa người lên Mặt Trăng vào năm 2024 là những gì Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đặt ra cho nhiệm kỳ 2 của mình nếu như ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Bên cạnh đó, ông Trump cũng khẳng định, nước Mỹ sẽ chấm dứt hỗ trợ tài chính trực tiếp cho Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào năm 2025 và chuyển quyền điều hành cho các công ty không gian tư nhân.

Còn ứng viên Joe Biden lại theo đuổi chính sách ngược lại, khi kêu gọi hoãn nhiệm vụ lên Mặt Trăng, đồng thời đề xuất kéo dài việc cấp ngân sách cho ISS nếu ông trở thành tân chủ nhân mới của Tòa bạch ốc.

Các chuyên gia cho rằng, cả 2 chính sách này đều có mặt ưu và khuyết. Việc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ lên Mặt Trăng có thể khiến các sản phẩm tên lửa đẩy hay tàu không gian của các hãng tư nhân Mỹ như SpaceX của Elon Musk và Blue Origin của Jeff Bezos khó còn động lực để phát triển.

Ngành công nghiệp vũ trụ Mỹ “nín thở” chờ đợi kết quả bầu cử Tổng thống - Ảnh 1.
Sự khác biệt trong chính sách của 2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ không chỉ giới hạn trên Trái Đất mà còn trong cả các dự án vũ trụ. Ảnh: ABC News.

Trong khi chấm dứt hỗ trợ tài chính cho trạm ISS thêm 10 năm được cho sẽ là "gáo nước lạnh" dội vào Boeing - tập đoàn sản xuất máy bay lớn nhất Mỹ thời điểm này. Hợp đồng mỗi năm trị giá 225 triệu USD cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực và nhân lực trên ISS sẽ không cánh mà bay, trong khi Boeing đang vật lộn với COVID-19 và lệnh cấm bay dòng 737 MAX .

Ông Mike French - Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Không gian Mỹ nói: "Sự nhất quán là chìa khóa trong ngành công nghiệp không gian. Nếu phá vỡ nền tảng hiện nay sẽ đe dọa hàng loạt thành tựu tiềm tàng có thể đi vào lịch sử, cũng như sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng mà Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) từng được hưởng".

Sau 10 năm thực hiện Chương trình "Phi hành đoàn thương mại" theo cơ chế hợp tác công-tư nhằm tận dụng các doanh nghiệp tư nhân cho các nhiệm vụ đưa hàng hoá và phi hành gia lên Trạm không gian quốc tế (ISS), Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) mới thành công trong việc nối lại chương trình đưa các phi hành gia Mỹ vào không gian từ trên chính lãnh thổ Mỹ.

Ngày 30/5, Tàu vũ trụ Crew Dragon của công ty SpaceX đã kết nối thành công với Trạm ISS. Sự kiện được đánh giá là một bước ngoặt trong ngành hàng không vũ trụ Mỹ. Bởi lẽ, SpaceX là công ty tư nhân đầu tiên đưa người lên vũ trụ với giá vé rất cạnh tranh, khoảng 55 triệu USD.

Dự báo giá trị của ngành công nghiệp vũ trụ Mỹ sẽ bùng nổ và tăng gấp 3 giá trị hiện nay lên 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Ngành công nghiệp du lịch không gian cũng sẽ nở rộ khi tất cả các hãng bay đều đều đã bán hết sạch chỗ cho các chuyến bay từ cuối năm sau.

Do vậy ai là Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ sẽ tác động rất lớn tới ngành này. Các tỷ phú như Elon Musk hay Jeff Bezos cũng đang "nín thở" chờ đợi kết quả.

Theo CafeBiz