Ốp lưng không phù hợp có thể thay đổi công suất phát của điện thoại, từ đó gia tăng lượng bức xạ vô tuyến mà người dùng hấp thu vào.

Tiến sĩ Tạ Sơn Xuất (Viện Điện tử - Viễn thông, ĐH Bách khoa Hà Nội) khẳng định, bức xạ vô tuyến sinh ra từ hầu hết điện thoại di động hiện nay trên thị trường đều đáp ứng các tiêu chuẩn từ Mỹ và châu Âu, được xem là an toàn với con người. Tuy nhiên, một khi điện thoại được gắn ốp lưng, hoặc đem sửa chữa, thay pin ở những nơi không chính thống,... thì có thể làm thay đổi công suất phát của thiết bị, không còn đúng với nguyên bản của nhà sản xuất.

Trả lời ICTnews, ông Xuất nói khó có thể khẳng định bức xạ vô tuyến có hại hay không do chưa có những nghiên cứu đủ quy mô. Tuy nhiên, việc thay đổi cấu trúc thiết bị so với nguyên bản chắc chắn làm thay đổi công suất phát của điện thoại.

Chia sẻ tại Hội thảo Tương thích Điện từ và An toàn Bức xạ Vô tuyến do Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam tổ chức hôm 22/9, ông Xuất cho biết các nghiên cứu trên thế giới vẫn bất đồng quan điểm về việc bức xạ điện từ (nói chung) có ảnh hưởng tới sức khoẻ con người hay không. Dù vậy, ông thể hiện quan điểm rằng, loại năng lượng này có ảnh hưởng đến con người nếu tiếp xúc với nguồn công suất đủ lớn.

Chẳng hạn sóng điện từ trong lò vi sóng có thể làm chín thức ăn, hoặc những bức xạ đủ mạnh có thể làm cơ thể người ngứa ngáy, nóng lên.

Một thử nghiệm năm 2015 tại Mỹ cũng khẳng định ốp lưng kém chất lượng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của điện thoại. Nhóm Công tác Môi trường (EWG) hồi 2015 cho đăng một báo cáo cho thấy, một số ốp lưng chất lượng kém trên thị trường có thể làm tăng 20-70% nguy cơ hấp thu bức xạ của người dùng từ điện thoại di động.

Nghiên cứu này được thực hiện bởi Pong Research Corp., một công ty sản xuất ốp lưng giúp giảm bớt bức xạ điện từ gây ra do điện thoại di động khi kết nối với trạm phát sóng.

Báo cáo cho rằng ốp lưng không phù hợp sẽ che mất ăng-ten điện thoại, buộc nó gia tăng công suất để truyền tải sóng. Nhóm nghiên cứu thử nghiệm với 3 mẫu ốp lưng mua ngoài thị trường, cho thấy mức gia tăng 20-70% tỷ lệ hấp thu bức xạ (SAR) so với khi không dùng ốp.

Nhóm này đề xuất FCC (Uỷ ban Truyền thông Liên bang, Mỹ) thêm vào các tiêu chuẩn đánh giá những smartphone có dùng ốp lưng, lo ngại ốp lưng không phù hợp có thể gia tăng tỷ lệ bức xạ hơn so với tiêu chuẩn của FCC.

Nhiều người lo ngại sóng điện từ có thể thay đổi cấu trúc gen, gây bệnh ung thư. Các nghiên cứu ủng hộ và phản bác quan điểm này đã được tung ra, tuy nhiên theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, các công trình này đều thiếu những sở cứ quan trọng để bảo vệ luận điểm.

Chẳng hạn điện thoại di động chỉ xuất hiện trong khoảng hơn 20 năm nay, chưa đủ lâu để nghiên cứu tác động của bức xạ gây ra bởi điện thoại lên cơ thể người, đặc biệt với bệnh ung thư. Ngoài ra, bản thân công nghệ trên điện thoại và cách sử dụng của người dùng thay đổi rất nhanh theo thời gian, do đó một nghiên cứu cách đây 10 năm không còn đúng với các thiết bị hiện tại.

Dù vậy, trong khi các nghiên cứu còn đang cần thời gian, nếu người dùng muốn hạn chế tiếp xúc với bức xạ vô tuyến thì có những cách sau: không mang điện thoại bên người nếu không sử dụng, nhắn tin thay cho gọi điện, dùng tai nghe.

Theo ông Xuất, tiêu chuẩn Việt Nam hiện nay về bức xạ đều tương đồng với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế như FCC (Mỹ), CE (châu Âu). Thậm chí một số tiêu chuẩn còn cao hơn nhằm bảo đảm sức khoẻ người dân.

Theo CafeBiz