Các chuyên gia tìm thấy phổi hóa thạch 66 triệu năm tuổi thuộc về một con cá vây tay cổ đại lớn tương đương cá mập trắng ngày nay.

Hóa thạch phổi của cá vây tay 66 triệu năm tuổi nằm cạnh những đoạn xương bò sát bay Pterodactylus. Ảnh: Đại học Portsmouth.
Hóa thạch phổi của cá vây tay 66 triệu năm tuổi nằm cạnh những đoạn xương bò sát bay Pterodactylus. Ảnh: Đại học Portsmouth.

Giáo sư David Martill, nhà cổ sinh vật tại Trường Môi Trường, Địa lý và Khoa học địa chất thuộc Đại học Portsmouth, được mời tới London để nhận diện một đoạn xương lớn trong bộ sưu tập tư nhân ở London. Chủ nhân bộ sưu tập cho rằng đây là một phần xương sọ của bò sát bay Pterodactylus. Tuy nhiên, Martill kinh ngạc nhận ra đây không phải là đoạn xương lẻ mà được tạo thành từ rất nhiều miếng xương mỏng, Science Daily hôm 16/2 đưa tin.

"Những miếng xương mỏng xếp lại giống như một chiếc thùng, nhưng từng miếng cong được ghép vòng quanh thay vì từ trên xuống dưới. Chỉ một sinh vật có cấu trúc như vậy, đó là cá vây tay. Chúng tôi đã tìm được hóa thạch phổi của loài cá kỳ lạ và đặc biệt này", Martill nói.

"Người sưu tầm rất thất vọng vì không có xương sọ của Pterodactylus, nhưng tôi và đồng nghiệp vô cùng hào hứng vì chưa từng tìm được hóa thạch cá vây tay nào trong trầm tích phosphate ở Morocco. Chưa kể con cá này còn đặc biệt lớn", ông chia sẻ.

Martill phối hợp cùng tiến sĩ Paulo Brito, nhà cổ sinh vật tại Đại học Rio de Janeiro, để phân tích hóa thạch phổi. Nó nằm cạnh các đoạn xương của Pterodactylus trong một khối phosphate. Điều này cho thấy con cá vây tay này sống cách đây khoảng 66 triệu năm, trong kỷ Phấn Trắng.

Nhóm nghiên cứu nhận ra đây là một con cá vây tay cực kỳ lớn dựa vào kích thước phổi khác thường. Nó ước tính dài tới 5 m, tương đương cá mập trắng và lớn hơn nhiều so với cá vây tay ngày nay thường chỉ dài tối đa 2 m. Đây có thể là con cá vây tay lớn nhất từng phát hiện, Martill nhận định.

Một hóa thạch cá vây tay hoàn chỉnh được tìm thấy ở Đức. Ảnh: Đại học Portsmouth.
Một hóa thạch cá vây tay hoàn chỉnh được tìm thấy ở Đức. Ảnh: Đại học Portsmouth.

Cá vây tay xuất hiện vào 400 triệu năm trước, sớm hơn khủng long 200 triệu năm. Chúng được mệnh danh là "hóa thạch sống", vượt qua thảm họa khiến toàn bộ khủng long bị xóa sổ. Chúng từng bị cho là đã tuyệt chủng. Tuy nhiên, năm 1938, người ta tìm thấy một con cá vây tay còn sống ở Nam Phi.

Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Cretaceous Research. Nhà sưu tầm và nhóm nghiên cứu đã chuyển hóa thạch phổi về Morocco. Nó sẽ trở thành một phần trong bộ sưu tập của Khoa Địa chất thuộc Đại học Casablanca Hassan II.

Thu Thảo (Theo Science Daily)

Theo Vnepress