Các chuyên gia lấy lượng lớn mẫu vật từ xác động vật trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu để tìm virus cổ đại phục vụ nghiên cứu dịch tễ.

Xác ngựa Verkhoyansk 4.450 năm tuổi được tìm thấy tại vùng đông bắc Yakutia. Ảnh: Nina Sleptsova/NEFU.
Xác ngựa Verkhoyansk 4.450 năm tuổi được tìm thấy tại vùng đông bắc Yakutia. Ảnh: Nina Sleptsova/NEFU.

Các nhà khoa học lần đầu tiên tìm kiếm virus cổ đại trong xác động vật từ thế Pleistocene được phát hiện trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở Yakutia, Nga. Quá trình lấy mẫu bắt đầu từ hôm 16/2 tại Bảo tàng Voi ma mút Yakutsk thuộc Đại học Liên bang Viễn Đông (NEFU) và sẽ tiếp tục diễn ra trong những ngày tới.

Nhóm chuyên gia tại bảo tàng kết hợp với Trung tâm Virus học Vector đã lấy hơn 50 mẫu thí nghiệm từ xác ngựa Verkhoyansk 4.450 năm tuổi, phát hiện tại vùng đông bắc Yakutia năm 2009, và các động vật tiền sử khác trong bộ sưu tập của bảo tàng. Họ sẽ tiếp tục lấy mẫu voi ma mút lông xoăn Malolyakhovsky 28.800 năm tuổi, nai sừng xám Omoloy, chó Tumat, chim và một số động vật gặm nhấm cổ đại.

Tất cả số động vật này được phát hiện do tầng đất đóng băng vĩnh cửu phía bắc Yakutia tan chảy. Các chuyên gia đã thực hiện những thí nghiệm vi khuẩn vào thời điểm tìm thấy chúng nhưng chưa kiểm tra virus cổ đại.

"Nhóm nghiên cứu từ Trung tâm Virus học Vector mong tìm thấy các virus cổ đại giúp mở đầu cho sự phát triển của ngành cổ virus học ở Nga và tiến hành những nghiên cứu chuyên sâu về sự tiến hóa của virus. Hiện chỉ có rất ít nghiên cứu trên mô mềm của động vật cổ đại", Olesya Okhlopkova, nhà nghiên cứu tại khoa lý sinh và sinh thái thuộc Trung tâm Virus học Vector, cho biết.

"Vector đang đầu tư theo dõi nhiều loại bệnh và thu thập lượng lớn vật liệu để tiến hành nghiên cứu dịch tễ học ở Nga cũng như những nơi khác trên thế giới. Các nhà khoa học đã nỗ lực bắt đầu việc nghiên cứu virus cổ đại này từ thập kỷ trước. Giờ chúng tôi đang biến kế hoạch thành hành động", Okhlopkova nói thêm.

Khi mẫu vật được chuyển về Novosibirsk, Tây Siberia, phòng thí nghiệm sẽ cô lập các axit nucleic và tiến hành giải trình tự gene, giúp các nhà khoa học nắm thông tin về tính đa dạng sinh học của các vi sinh vật trong mẫu.

"Nếu các axit nucleic được bảo tồn, chúng tôi có thể lấy dữ liệu về thành phần cấu tạo và biết chúng đã thay đổi như thế nào. Chúng tôi sẽ xác định được tiềm năng dịch tễ học của những mầm bệnh đang tồn tại ngày nay", Okhlopkova giải thích.

Thu Thảo (Theo Siberian Times)

Theo Vnepress