Đằng sau vô số các món quà ảo và lượng truy cập tăng vùn vụt trên các kênh livestream có thể là các con bot máy tính hoặc một tài khoản ảo nào đó, thay vì một khán giả thật sự.

Ngành công nghiệp livestream của Trung Quốc đang tăng trưởng bùng nổ khi lôi cuốn cả giới trẻ lẫn dân kinh doanh tham gia vào cách bán hàng kiểu mới này. Câu chuyện về những ngôi sao đang nổi trên các nền tảng livestream có thể kiếm hàng trăm nghìn Nhân dân tệ sau mỗi buổi bán hàng đã trở thành nguồn cảm hứng cuốn hút ngày càng nhiều người hơn nữa vào cuộc chơi này.

Thế nhưng đằng sau nó là những góc khuất mà người ngoài khó có thể biết. Dưới đây là tâm sự từ những người "trong nghề" để có thể biết rõ hơn về những gì diễn ra đằng sau những màn bán hàng đỉnh cao qua internet.

Các món quà ảo giả dối

Vào năm 2018, khi ngành công nghiệp Livestream ở Trung Quốc bùng nổ với tốc độ ánh sáng, cô Huang Xiaobing cảm thấy sự nghiệp livestreamer của mình đang đi vào ngõ cụt. Cô quyết định mở công ty agency của riêng mình ở Thiên Tân, hướng đến lĩnh vực livestream đang bùng nổ, nhằm quản lý các ngôi sao trực tuyến, những người hát, nhảy múa trước khán giả để nhận được các món quà ảo có thể đổi thành tiền.

Trong vai trò mới, cô giúp các livestreamer trở nên nổi tiếng trước đám đông khán giả trực tuyến. Một trong những cách phổ biến để đạt được điều này là đóng giả người xem mua quà ảo cho các livestreamer để làm tăng mức độ nổi tiếng của họ, đánh lừa thuật toán các nền tảng khi ưu tiên các kênh của những người này cao hơn trong các trang khuyến nghị.

"Mỗi agency sẽ dành khoảng 3.000 đến 5.000 Nhân dân tệ (khoảng 456 USD đến 760 USD) để lấp đầy các cửa sổ chat bằng quà ảo". Huang cho biết. Lúc đỉnh điểm, công ty của cô từng quản lý và đào tạo 40 người nổi tiếng trước khi cô rời ngành công nghiệp này để ở nhà làm nội trợ.

Theo Huang, các kênh livestream sẽ cần nhân số người xem thực của mình lên 10 đến 50 lần mới vào được trang khuyến nghị trên các nền tảng, từ đây họ mới có cơ hội thu hút người xem và tiền thưởng từ những người dùng thật. Để tối đa hóa lợi nhuận, Huang cho biết, công ty của cô không mua quà và tạo người xem ảo trong mọi buổi livestream mà chỉ lựa chọn một số buổi livestream mà họ cảm thấy có khả năng mang lại nhiều tiền nhất.

Mọi người đều làm vậy

"Tất cả mọi người trong ngành đều làm vậy, bằng cách này hay cách khác." Huang cho biết. Chính bản thân các nền tảng này đôi khi cũng thổi phồng số liệu để mọi người có cảm giác rằng nền tảng của họ có rất nhiều người dùng.

Ví dụ điển hình của điều này là nền tảng YY. Một nhà bán khống người Mỹ, Muddy Waters đã tố cáo mạng xã hội Trung Quốc này sử dụng các bot máy tính để làm giả số lượng người xem và gửi các quà tặng ảo cho các livestreamer trong "một vụ lừa đảo hàng tỷ USD". Muddy Waters tuyên bố, có đến 90% doanh thu của YY Live, nền tảng livestream của YY, là giả mạo.

Các nhà phân tích cho rằng, việc làm giả lượng truy cập là một "bí mật mở" của cả ngành công nghiệp internet, chứ không chỉ ngành livestream đang bùng nổ ở Trung Quốc. Điều này cũng xuất hiện trên cả các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Twitter.

Bên cạnh các thủ thuật tăng thứ hạng của kênh livestream trên các trang khuyến nghị, nền tảng tiếp thị người nổi tiếng Parklu tại Thượng Hải cho biết, các livestreamer còn được tiền hoa hồng từ các món hàng bán được – thường đến 20%. Do vậy họ có thể sử dụng các tài khoản ảo do bot điều khiển để mua sản phẩm bằng chính tiền của họ và hoàn lại đến 50% số sản phẩm này, đồng thời bỏ túi phần hoa hồng.

"Mọi người đều sử dụng các lượng truy cập ảo, từ các công ty công nghệ lớn cho đến các KOL (viết tắt của key opinion leader) nhỏ nhất." Giám đốc tiếp thị của Parklu, Elijah Whaley cho biết. "Mọi người đều sử dụng lượng truy cập ảo ở một mức độ nào đó bởi vì đó là cách đánh lừa thuật toán, mọi người và các thương hiệu. Đó là một cách làm cũ nhưng mới được áp dụng trong ngành công nghiệp này, trên nhiều lớp khác nhau."

Tuy nhiên, chỉ các công ty quản lý quy mô lớn mới có thể biến điều này trở nên hiệu quả. "Họ sẽ cần đến một mạng lưới nhiều kênh khác nhau với hàng núi các livestreamer để mô hình này trở nên khả thi." Whaley cho biết. Ngay cả khi lợi nhuận trên mỗi livestreamer thấp hơn, "họ cũng không quan tâm bởi vì họ đang streaming đến 8 tiếng mỗi ngày cho cả 1000 livestreamer."

Trong lễ hội mua sắm Ngày Độc thân mới đây, Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc đã nhận được hơn 334.000 khiếu nại về các nền tảng livestream thương mại điện tử, một phần đáng kể trong số chúng liên quan đến lượng truy cập giả và đơn hàng ảo.

Trên trang Taobao thuộc tập đoàn Alibaba Group Holding, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, việc tìm kiếm với từ khóa "live stream views" sẽ đưa ra vô số sản phẩm giúp "tối ưu hóa lượng người xem" với chủ yếu là các mô tả mơ hồ về sản phẩm.

Sự dối trá đằng sau ngành công nghiệp livestream tỷ USD của Trung Quốc - Ảnh 1.

Một sản phẩm niêm yết trên nền tảng này chào giá 50 tệ để đổi lấy 100 lượt xem ảo và 5 tệ để đổi lấy 30.000 lượt like cho các lần livestream trên nền tảng Douyin của ByteDance – phiên bản TikTok dành cho thị trường Trung Quốc. Nếu chi ra 20 tệ, khách hàng còn tạo được các thông báo giao dịch ảo -  thường xuất hiện trên màn hình mỗi khi một giao dịch được thực hiện – sẽ liên tục nảy lên trong phiên livestream sau mỗi 3 đến 5 giây trong vòng 3 tiếng. Điều này sẽ gây ấn tượng để người xem mua sản phẩm.

Tương lai mù mịt cho các chiêu trò giả dối

Nhưng gần đây, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã bắt đầu để mắt đến những hành vi này và siết chặt quy định đối với ngành công nghiệp này. Đầu tháng này, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc phát hành dự thảo luật trong đó nghiêm cấm "các hành vi ngụy tạo hoặc thay đổi lượng người theo dõi, lượng người xem, lượt like, các giao dịch và số lượng truy cập trên các nền tảng livestream.

Không những thế, theo quy định mới của Cục Quản lý Phát Thanh và Truyền hình Quốc gia, các livestreamer tại Trung Quốc và những người muốn tặng quà họ cũng phải đăng ký bằng tên thật. Hơn nữa, cơ quan này cũng quy định các nền tảng internet phải có trách nhiệm giới hạn cho số lần thưởng tiền mà mỗi người dùng có thể trao.

Sự dối trá đằng sau ngành công nghiệp livestream tỷ USD của Trung Quốc - Ảnh 2.
Sự kiện mua sắm Ngày Độc Thân của Alibaba

Các cơ quan quản lý cũng đánh gục những người cung cấp dịch vụ bot để tạo lượng truy cập giả mạo cho các kênh livestream. Vào tháng 10 vừa qua, một người ở tỉnh Chiết Giang đã bị phạt 500.000 Nhân dân tệ vì cung cấp các lượt view, like và bình luận giả mạo cho các kênh livestream của những người bán hàng trên Taobao và các nền tảng thương mại điện tử khác.

Bất chấp việc siết chặt các quy định quản lý, các nhà phân tích vẫn cho rằng, việc các nền tảng livestream hướng đến giải trí và bán hàng vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai gần. Trong khi đại dịch Covid-19 đã buộc nhiều người phải ở nhà, làm việc và mua sắm từ xa, nó cũng khiến số lượng người tham gia vào ngành công nghiệp livestream này gia tăng nhanh chóng.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, chỉ riêng trong nửa đầu năm nay, đã có hơn 10 triệu buổi livestream bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc, và thu hút hơn 50 tỷ lượt xem. Các chiến dịch bán hàng trực tuyến này đã giúp phục hồi lĩnh vực bán lẻ tại Trung Quốc khi nền kinh tế trong nước mở cửa trở lại.

Với đà tăng trưởng mạnh mẽ như trong năm nay và cuộc cạnh tranh khốc liệt để leo lên được các vị trí hiển thị hàng đầu trước mắt người dùng, nhiều khả năng các chiêu trò đánh lừa thuật toán và qua mặt hệ thống xếp hạng sẽ tiếp tục phổ biến trong tương lai, bất chấp các biện pháp kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan quản lý Trung Quốc.

Theo CafeBiz