Dù là đối tác ruột từ nhiều thập kỷ nay, nhưng sức ép hạ giá bằng mọi cách của Apple đang buộc Foxconn phải tìm mọi thủ thuật để gia tăng lợi nhuận cho mình.

Hầu như mọi đối tác của Apple đều phải chấp nhận sự keo kiệt đến mức tàn nhẫn của công ty giá trị nhất thế giới này, nhưng họ cũng cố tìm cho mình cách thức để có thêm lợi nhuận mà không mất đi khách hàng khổng lồ này. Ngay cả đối tác ruột của họ, người đồng hành cùng với Apple từ hàng chục năm nay, hãng Foxconn cũng không phải là ngoại lệ.

Báo cáo mới của The Information cho thấy, giữa lúc phải chấp nhận mối quan hệ thất thường với Apple, Foxconn đã dùng nhiều thủ thuật khác nhau để cắt giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận.

Sự keo kiệt của Apple đang phá hủy mối quan hệ với Foxconn như thế nào - Ảnh 1.
Mối quan hệ đối tác kéo dài nhiều năm giữa Apple và Foxconn đang dần xói mòn

Ví dụ khi bước vào giai đoạn sản xuất chiếc iPad Pro 2018, Foxconn nói với Apple rằng, họ cần tuyển thêm nhiều lao động – dù rằng không cần thiết như vậy – nhằm mục đích để Apple trả thêm tiền cho số lao động phát sinh này. Một số nhân viên của Foxconn cho biết, nhà sản xuất này thường làm như vậy để gia tăng thêm lợi nhuận mỏng manh của mình hoặc kiếm thêm được đơn hàng sản xuất dòng sản phẩm mới nào đó của Apple.

Cho dù cặp đôi Apple – Foxconn đã song hành với nhau từ nhiều thập kỷ nay và cả hai đều đã mang lại thành công và danh tiếng cho nhau. Tuy vậy theo thời gian, lợi nhuận đang chia rẽ họ theo 2 hướng khác nhau. Trong khi Foxconn vẫn phải vật lộn với mức lợi nhuận hàng năm mỏng manh chỉ một con số, còn Apple đang lên tới mức 40%.

Do vậy, Foxconn phải tự tìm cách xoay xở để bổ sung vào mức lợi nhuận mong manh kể trên. Bên cạnh việc báo cáo thừa số lao động cần thiết, Foxconn còn thử một số biện pháp khác để gia tăng lợi nhuận. Báo cáo của The Information cho thấy, Foxconn còn sử dụng các thiết bị của riêng Apple cho các khách hàng cũng như bỏ qua một số bước trong quá trình kiểm thử linh kiện và sản phẩm.

Do vậy, Apple phải gia tăng hoạt động giám sát và theo dõi các nhân viên Foxconn cũng như thiết bị của riêng họ trong các cơ sở sản xuất của công ty này. Kể từ khi ông Tim Cook thay thế cho Steve Jobs làm CEO Apple, nhu cầu kiểm toán và giám sát sản xuất của người khổng lồ công nghệ ở Cupertino này đã gia tăng mạnh mẽ.

Năm 2015, Foxconn sử dụng các thiết bị chưa sử dụng của Apple để sản xuất sản phẩm cho Huawei. Thiết bị này sau đó đã được đưa lại về chỗ cũ trước khi Apple thực hiện kiểm tra dây chuyền sản xuất của Foxconn. Theo các cựu nhân viên của Apple và Foxconn, hoạt động này ngày càng trở nên khó khăn hơn khi Apple bắt đầu gắn thẻ theo dõi vào các thiết bị riêng của họ.

Một ví dụ khác, một mảnh kim loại hoặc một ốc vít lỏng lẻo bị phát hiện trong iPhone khi đang trên dây chuyền sản xuất. Đáng nhẽ các nhân viên Foxconn phải loại bỏ những sản phẩm lỗi này và làm một chiếc mới hoàn toàn từ bằng các linh kiện khác, tuy nhiên, công nhân Foxconn sẽ mở chúng ra và tự gỡ mảnh kim loại đó.

Hãng gia công đồ điện tử lớn nhất thế giới này cũng tìm các cách khác để gia tăng lợi nhuận của mình. Theo thời gian, Foxconn đã thâu tóm nhiều nhà cung cấp linh kiện cho Apple. Họ cũng nghiên cứu và tự sản xuất một số linh kiện để thay thế cho các sản phẩm nhập khẩu – và bỏ túi phần chi phí tiết kiệm được.

Hình ảnh về mối quan hệ đang thay đổi và rạn nứt giữa Apple và Foxconn còn được thể hiện theo nhiều cách khác nhau.

Trước khi chiếc MacBook 12 inch ra mắt, Apple đã cáo buộc Foxconn cho nhân viên Google đi "tham quan một nhà máy ở Trung Quốc nơi sản xuất bộ khung kim loại của MacBook 12 inch." Apple đã yêu cầu Foxconn giao nộp các đoạn video an ninh và nhật ký ra vào nhưng Foxconn từ chối thực hiện.

Sự keo kiệt của Apple đang phá hủy mối quan hệ với Foxconn như thế nào - Ảnh 2.
Bà Grace Wang, nhà sáng lập Luxshare, cùng CEO Apple Tim Cook xuống thăm một nhà máy sản xuất linh kiện cho iPhone.

Tất cả các sự cố này đang đến vào thời điểm Apple và các công ty khác đều đang đa dạng hóa chuỗi cung cấp của mình. Foxconn từng độc quyền lắp ráp các sản phẩm của Apple, nhưng giờ đây đã có thêm nhiều công ty khác tham gia vào hoạt động này, bao gồm Pegatron, Wistron và Luxshare. Nhiều công ty trong số này cũng được Apple hướng dẫn áp dụng các bài học về sản xuất hay cách huy động công nhân vào những lúc cao điểm – những điều Apple học được từ chính Foxconn.

Trong năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch virus corona bùng nổ, doanh thu của Foxconn sụt giảm 2,7% trong khi của Apple tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Seamus Grimes, giáo sư tại Đại học Quốc gia Ireland cho biết, Foxconn đã quá phụ thuộc vào Apple và giờ đây họ đang phải tìm chỗ đứng cho riêng mình, mới đây nhất là việc trình làng bộ khung gầm dành cho xe điện tự hành để các đối tác khác có thể tùy chỉnh theo nhu cầu của mình.

Theo CafeBiz