Tàu thăm dò Thiên Vấn 1 đã "hãm phanh" thành công để đi vào quỹ đạo sao Hỏa hôm 10/2 sau hành trình gần 7 tháng từ Trái Đất.

Theo Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA), động cơ 3000N đã tự động kích hoạt vào lúc 19h52 (giờ Bắc Kinh) để giảm tốc độ của tàu Thiên Vấn 1. Sau 15 phút, con tàu đi vào quỹ đạo hình elip của sao Hỏa với khoảng cách gần nhất với bề mặt hành tinh là khoảng 400 km.

Sự kiện đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công cuộc chinh phục không gian của Trung Quốc, đưa nước này trở thành cái tên thứ 6 tiếp cận thành công quỹ đạo của hành tinh đỏ sau NASA, Liên Xô cũ, Cơ quan Vũ trụ châu Âu, Ấn Độ và UAE.

Trong khi tàu Hope của UAE - tới sao Hỏa hôm 9/2 - chỉ được thiết lập để hoạt động trên quỹ đạo của hành tinh, tàu Thiên Vấn 1 của Trung Quốc bao gồm cả một tàu quỹ đạo, tàu đổ bộ và robot thăm dò bề mặt.

Tàu quỹ đạo sẽ dành vài tháng để quét bề mặt hành tinh và tinh chỉnh các thiết lập cần thiết trước khi tàu đổ bộ hạ cánh xuống phần phía nam của sao Hỏa, dự kiến vào tháng 5 hoặc tháng 6/2021. Mục tiêu cuối cùng của sứ mệnh là triển khai robot thăm dò tại khu vực Utopia Planitia, một đồng bằng rộng lớn trong lòng chảo Utopia - hố va chạm lớn nhất trong hệ Mặt Trời với đường kính ước tính lên tới 3.300 km.

"Đi vào quỹ đạo sao Hỏa là một nhiệm vụ đầy thử thách. Mấu chốt là khả năng tự điều khiển của tàu thăm dò. Nó sẽ bay vòng quanh hành tinh, có nghĩa là việc liên lạc sẽ khó khăn hơn khi con tàu đi về phía xa của sao Hỏa. Tín hiệu gửi từ Trái Đất sẽ không đến được tàu thăm dò kịp thời, vì vậy nó cần tự giải quyết hầu hết các trục trặc lớn nếu có", Wang Chuang, thiết kế trưởng của sứ mệnh Thiên Vấn 1, cho biết.

Tàu thăm dò sao Hỏa của Trung Quốc đã bay trong không gian 202 ngày. Nó thực hiện tổng cộng bốn lần hiệu chỉnh quỹ đạo và một cuộc điều động không gian sau. Kể từ khi được phóng lên bởi tên lửa Trường Chinh 5 vào tháng 3/2020, con tàu đã di chuyển quãng đường 475 triệu km và cách Trái Đất 192 triệu km khi đến quỹ đạo sao Hỏa.

Đoàn Dương (Theo Reuters)

Theo Vnepress