Trẻ bị táo bón không phải là điều quá xa lạ với nhiều bậc cha mẹ. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu về nguyên nhân gây táo bón ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bạn sẽ nhận được rất nhiều thông tin. Quan trọng là bạn cần tìm hiểu kỹ để xác định đâu là nguyên nhân chính xác và có giải pháp khắc phục phù hợp.

Táo bón là tình trạng rất phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Khi thấy con bị táo bón, hầu hết các bậc cha mẹ đều hoang mang, lo lắng, không biết phải làm sao. Sự hoang mang này dẫn đến tình trạng cha mẹ rất dễ tin vào những “lời đồn” xoay quanh nguyên nhân gây táo bón, chẳng hạn như sữa mẹ nóng hoặc sữa công thức mà trẻ uống có nhiều dưỡng chất gây nóng.

Hậu quả là nhiều cha mẹ cứ nghe theo những lời đồn này mà thực hiện các giải pháp hết sức sai lầm như không cho con bú mẹ hoặc thay đổi sữa công thức khiến tình trạng táo bón không những không được cải thiện mà còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Hãy cùng Hello Bacsi xem qua những chia sẻ dưới đây để hiểu hơn về táo bón và đâu là nguyên nhân thật sự dẫn đến tình trạng này nhé.

Táo bón ở trẻ nhỏ – Nỗi lo “thường nhật” của cha mẹ

Táo bón là tình trạng trẻ gặp khó khăn khi đi tiêu, mất rất nhiều thời gian để tống xuất phân ra ngoài và khoảng cách giữa các lần đi tiêu dài hơn bình thường. Tình trạng táo bón không chỉ khiến trẻ khó chịu mà còn làm cho quá trình chuyển hóa thức ăn trong hệ tiêu hóa diễn ra chậm, chất thải tích tụ trong ruột già lâu ngày dễ dẫn đến những vấn đề như nứt hậu môn, trĩ… Táo bón ở trẻ sơ sinh thường được chia làm 2 loại:

1. Táo bón thực thể

Đây là loại táo bón do các nguyên nhân thực thể như tổn thương cấu trúc hoặc chức năng đường tiêu hóa. Loại táo bón này sẽ được khắc phục bằng cách điều trị các bệnh thực thể:

  • Bệnh cường giáp làm giảm hoạt động của cơ ruột
  • Phì đại tràng bẩm sinh, tình trạng ruột già thiếu tế bào hạch (một loại tế bào thần kinh) khiến ruột già không nhận được tín hiệu từ não để hoạt động đúng cách
  • Đái tháo đường
  • Các bệnh liên quan đến hệ thần kinh như bại não, chậm phát triển tâm thần, các vấn đề về cột sống.

2. Táo bón chức năng

Là loại táo bón không phải do bất cứ tổn thương thực thể hay tác động sinh lý nào gây ra. Theo thống kê, táo bón chức năng chiếm tới 95% các trường hợp trẻ nhỏ bị táo bón. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, chế độ sinh hoạt chưa hợp lý hoặc cũng có thể liên quan đến yếu tố tâm lý và một số biểu hiện thần kinh khác. Táo bón chức năng có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng thường gặp nhất vẫn là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ trong độ tuổi từ 2 đến 6.

Cụ thể, theo các chuyên gia, táo bón chức năng có thể hình thành do những nguyên nhân sau:

  • Dị ứng
  • Trẻ hay nhịn đi đại tiện
  • Chế độ ăn thiếu dưỡng chất
  • Phản ứng thần kinh bao gồm stress, căng thẳng kéo dài
  • Trẻ bú sữa công thức có thành phần gây táo bón.

Sữa công thức không phải là nguyên nhân gây táo bón nhưng tại sao luôn bị “vạch mặt” đầu tiên?

Với những trẻ được nuôi bằng sữa công thức, khi con bị táo bón, nhiều cha mẹ liền cho rằng “thủ phạm” có thể chính là sữa công thức. Thế nhưng nguyên nhân sâu xa hơn đôi khi lại đến từ những lý do khác như hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ đang dần thích nghi với sữa công thức, cách pha và bảo quản sữa đã pha cũng như thành phần của sữa.

Trong những năm đầu đời, hệ tiêu hóa của trẻ vẫn chưa hoàn chỉnh và dễ bị tổn thương. Khi trẻ uống sữa công thức sẽ có nguy cơ bị táo bón cao do hệ tiêu hóa nhạy cảm và non nớt vẫn chưa thể hấp thụ được protein có trong sữa công thức. Trong trường hợp này, mẹ nên để trẻ có thêm thời gian để thích nghi với nguồn dinh dưỡng mới.

Bên cạnh đó, thói quen pha sữa công thức của mẹ cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến trạng tình trạng táo bón ở trẻ. Nếu mẹ pha quá đặc, hàm lượng chất rắn cao trong hỗn hợp sữa khiến quá trình phân giải và hấp thu dưỡng chất của trẻ gặp nhiều khó khăn. Phần thức ăn không tiêu hóa sẽ dồn lại khiến cho phân có kết cấu đặc và gây ra tình trạng táo bón ở trẻ.

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng sữa công thức là “thủ phạm” gây táo bón nhưng lại không biết chính xác là do nguyên nhân khoa học nào. Thông thường, trẻ bị táo bón thường là do uống phải sữa công thức có chứa dầu cọ, loại dầu có chứa hàm lượng axit palmitic rất cao. Hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ nhỏ không đủ khả năng phá vỡ các liên kết phân tử này để hấp thu nên khi đi vào ruột, axit palmitic kết hợp với canxi tạo thành một dạng hợp chất canxi không tan. Các hợp chất chứa canxi này sẽ làm phân của trẻ cứng hơn và khiến trẻ dễ bị táo bón.

Tác hại tiềm ẩn của dầu cọ trong sữa của trẻ sơ sinh

Dầu cọ là một loại dầu thực vật được chiết xuất từ quả của cây cọ dầu. Do giá thành rẻ và tính năng linh hoạt, loại dầu này “phủ sóng” trong hơn 50% các sản phẩm hiện diện trong đời sống, từ các loại thực phẩm như khoai tây chiên, gà rán cho đến các mặt hàng hóa mỹ phẩm thiết yếu như dầu gội, son môi. Đặc biệt, dầu cọ còn là một thành phần thường được sử dụng trong các sản phẩm sữa công thức.

Dầu cọ có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe trẻ nhỏ, một trong những ảnh hưởng đáng lo ngại nhất chính là táo bón. Tình trạng táo bón sẽ làm giảm khả năng hấp thu chất béo, năng lượng và ảnh hưởng đến hệ vi sinh của đường ruột của trẻ. Trong khi đó, đường ruột lại có ảnh hưởng rất lớn đến hệ miễn dịch và trí não. Chính vì vậy, việc tiêu thụ dầu cọ còn gián tiếp làm ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch và sự phát triển trí não của trẻ nhỏ.

Ngoài ra, dầu từ cây cọ dầu còn ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của bé. Thành phần dầu cọ trong sữa công thức đã được chứng minh là có thể ức chế sự gia tăng tự nhiên của khối lượng và mật độ khoáng xương ở trẻ sơ sinh. Theo kết quả nghiên cứu, so sánh, trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa công thức không có dầu cọ sẽ có hàm lượng khoáng chất xương cao hơn những trẻ uống sữa công thức có chứa thành phần này.

Nguy hiểm hơn, các sản phẩm sữa công thức có dầu cọ thường cũng có chứa cả glycerol esters (một chất được hình thành khi dầu cọ và một số loại dầu thực vật khác được chế biến, tinh chế). Các nghiên cứu gần đây của Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) đã cho thấy glycidol (hợp chất mẹ của glycerol esters) có thể vừa gây độc gen vừa gây ung thư.

Trước khi kết luận “thủ phạm” gây táo bón cho bé là sữa công thức, bố mẹ nên hiểu rõ các nguyên nhân dẫn đến táo bón của trẻ. Ngoài ra, khi chọn sữa công thức cho con, bạn cũng nên xem xét kỹ về thành phần, đặc biệt là mục dầu thực vật để tránh mua phải các sản phẩm có chứa dầu cọ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Hai năm đầu đời là giai đoạn đầu đời để phát triển trí não, bạn cần chọn cho trẻ một loại sữa chứa nhiều dưỡng chất để con phát triển tối ưu và tất nhiên, khi chọn, bạn cần đọc kỹ thành phần để tránh chọn phải sản phẩm sữa có chứa dầu cọ nhé.

Hầu hết những người lần đầu làm cha mẹ nhìn phân của con đều ngạc nhiên. Lý do là vì nó có nhiều sắc thái và không nhất quán nên ngay cả người có kinh nghiệm cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Để biết phân trẻ sơ sinh như thế nào là tốt, mời bạn tham khảo bài viết: Phân trẻ sơ sinh như thế nào là tốt?

Theo Hellobacsi