với mỗi gia đình tết là dịp mọi người cùng nhau sum họp, mâm cơm ngày tết vì thế cũng trở nên quan trọng và cần được chuẩn bị chu đáo, cẩn thận. vào bếp xem ngay 9 món ăn hấp dẫn cần chuẩn bị sớm để đón tết sau đây nhé.

Dưa hành

Trong mâm cơm ngày Tết, dưa hành kết hợp với bánh chưng, thịt đông, mâm cơm,... sẽ làm cho món ăn thêm tròn vị và hấp dẫn.

Nguyên liệu

  • 1 kg hành củ.
  • 1,5 lít nước lọc.
  • 70 gr muối.
  • 1 thìa canh đường trắng.
  • 2 thìa giấm hoặc rượu trắng.
  • Dụng cụ: Dao, thớt, nồi, bếp,...

Cách làm

Bước 1: Cắt bỏ rễ hành và bóc bớt đi lớp vỏ già bên ngoài. Bạn nên chọn hành bánh tẻ để bớt hăng hơn và có thể rút ngắn được thời gian muối.

Bước 2: Rửa hành thật sạch và vớt ra rổ để ráo nước.

Bước 3: Cho nước, đường, muối vào nồi và đun sôi. Bạn có thể cho lượng đường và muối phù hợp với sở thích, nhưng đừng quá nhạt sẽ khiến hành dễ bị hỏng.

Bước 4: Cho 2 thìa giấm vào hỗn hợp nước muối vừa đun sôi khi còn hơi ấm. Bạn có thể dùng rượu trắng thay cho giấm để làm cho hương vị thêm phần hấp dẫn.

Bước 5: Cho hành củ đã rửa sạch vào hủ rồi đổ nước muối sao cho ngập hết lượng hành. Bạn lưu ý phải để hành luôn chìm trong nước muối tránh trình trạng nước bị nổi váng và làm cho hành nhanh hỏng.

Bước 6: Sau thời gian từ 7 đến 10 ngày, bạn hãy vớt hành ra và ngâm vào nước muối loãng sẽ giúp hành để được lâu hơn và không bị nát. Để cho món ăn thêm đậm đà, bạn cũng có thể cho một ít nước mắm vào dĩa hành muối trước khi ăn khoảng 3 phút nhé.

Cách làm dưa hành

Bắp bò ngâm nước mắm

Bắp bò ngâm nước mắm không chỉ mang lại cho bữa cơm ngày Tết vị ngon khó cưỡng mà còn rất thích hợp để chiêu đãi khách đến chơi nhà nữa đấy! 

Nguyên liệu

  • 1 kg bắp bò (bắp bò lọc hết phần mỡ bám quanh).
  •  Nước mắm ngon.
  •  Giấm gạo.
  •  Đường trắng.
  •  Nước lọc.
  •  Một ít hoa hồi, thảo quả, quế.
  •  1 củ gừng, 2 củ tỏi, một ít ớt.
  • Dụng cụ: Dao, thớt, nồi, bếp, lọ thủy tinh để ngâm bắp bò.

Cách làm 

Bước 1: Đong nước mắm, đường, giấm, nước lọc theo tỷ lệ: 2:2:1:1/2. Đập dập một ít ớt, dùng 1 củ tỏi cắt lát cho vào hỗn hợp nước mắm.

Bắc nồi lên bếp và đun, sau khi mắm sôi, đường tan hết, bạn tắt bếp và để cho mắm thật nguội rồi mới tiến hành dùng để ngâm bắp bò.

Bước 2: Cho bắp bò đã làm sạch vào nồi, cho vào nồi một vài lát gừng đập dập, 2-3 nhánh hoa hồi và thảo quả đập dập, miếng quế và một xíu muối và đổ nước ngập mặt thịt để luộc.

Bước 3:

- Luộc khoảng 30 phút bạn dùng đũa đâm vào miếng thịt bò không thấy chảy ra nước hồng tức là bò đã chín, không cần luộc bò nhừ.

- Cho bắp bò thả vào bát đá lạnh để bắp bò nguội mà không bị thâm phía ngoài.

- Đợi cho bắp bò và mắm thật nguội, bạn tiến hành cho vào lọ để ngâm. Đậy kín lọ và ngâm bò từ 5-7 ngày là có thể dùng được. 

Cách làm bắp bò ngâm nước mắm

Lạp xưởng

Đây là món ăn rất thích hợp cho mâm cơm ngày Tết vì hương vị béo và thơm lừng của lạp xưởng khiến bất cứ ai ăn cũng khó mà quên được. Bạn hoàn toàn có thể tự làm lạp xưởng sạch tại nhà theo công thức vô cùng đơn giản.

Nguyên liệu 

  • 600 gr thịt nạc vai.
  • 150 gr mỡ heo.
  • 30 gr đường trắng.
  • 10 gr muối.
  • 1 muỗng canh nước tương.
  • 1 muỗng canh rượu mai quế lộ.
  • 150 gr lòng heo.
  • 1 muỗng cà phê hạt nêm.
  • Dụng cụ: Bếp, tô, muỗng, chảo,...

Cách làm

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

- Thịt heo rửa sạch với nước muối, dùng khăn thấm bớt nước, cắt hạt lựu.

- Mỡ cắt như thịt, ướp với đường, phơi nắng cho phần mỡ trong lại.

- Trộn thịt, mỡ với gia vị: muối, nước tương, rượu mai quế lộ, đường.

- Ướp khoảng 3 tiếng cho thật thấm gia vị. Trong quá trình ướp nên đảo cho gia vị thấm đều. Bóp sơ qua lòng non với muối, rửa lại với rượu trắng, vớt ra ngay, để ráo nước.

Bước 2: Nhồi hỗn hợp vào lòng non

Để dễ dàng cho hỗn hợp vào bên trong lòng non mình dùng một vỏ chai nước suối, cắt phần đầu chai, buộc đoạn đầu lòng vào miệng chai rồi vặn chặt bằng chiếc nắp chai đã được đục thủng trên đầu giúp cho việc nhồi thịt và mỡ vào lòng non đơn giản và nhanh chóng.

Bước 3: 

- Chuẩn bị một nồi nước thật sôi, cho một ít rượu trắng vào nồi, thả lạp xưởng vào nồi, đảo và vớt ra ngay, để thật ráo nước.

- Dùng kim châm vào cây lạp xưởng, sau đó treo lên chỗ thoáng, có nắng tốt để phơi lạp xưởng, thỉnh thoảng trở đều. Khi thấy khô là được, thời gian phơi khoảng 3-5 ngày tùy vào nắng nhiều hay ít.

Cách làm lạp xưởng

Trứng bắc thảo

Là món ăn đặc biệt có nguồn gốc từ Trung Hoa, trứng bắc thảo không chỉ có hương vị hấp dẫn mà còn vô cùng tốt cho sức khỏe.

Nguyên liệu

  • 50 quả trứng vịt.
  • 5 trái bồ kết.
  • 1/2 muỗng cà phê diêm sinh.
  • 4 muỗng cà phê quế bột.
  • 1 muỗng cà phê đinh hương.
  • 70 gr trà mạn (trà khô không ướp hương).
  • 1 bó rau dền gai (hoặc trấu).
  • Lá trắc bách diệp (60 lá).
  • 4 muỗng cà phê phèn chua.
  • Dụng cụ: Chày cối, bếp, thau, hũ,...

Cách làm 

Bước 1:

- Kiểm tra trứng: Thả trứng vào nước muối, trứng chìm xuống là trứng tốt (1 lít nước hòa tan với 50 gr muối).

- Đem trứng tốt rửa qua nước lọc, lau sạch bằng khăn khô.

- Lấy 4 muỗng cà phê phèn chua pha với 1 lít nước ngâm hột vịt trong 3 ngày lúc này lòng trắng sẽ trong, lòng đỏ vàng

Bước 2:

- Bồ kết nướng thành than giã nhỏ như bột.

- Trà mạn pha với 1 lít nước sôi.

- Đinh hương sao vàng tán nhỏ.

- Rau dền gai phơi khô đốt lên lấy tro, trộn với bột quế, diêm sinh và lá trắc bách diệp giã nhỏ (có thể thay thế rau dền bằng trấu).

Pha “hỗn hợp bùn” gồm nhiều loại bột nguyên liệu và trà mạn ta đã chuẩn bị trên lại với nhau.

Bước 3:

- Phết lên bề mặt quả trứng lớp hỗn hợp bùn trên ở bước 2.

- Tiếp tục lăn trứng qua một lớp mỏng vỏ trấu để hỗn hợp bọc chặt vào nhau, bao kín quả trứng.

Lưu ý: Mỗi quả trứng nên bọc thêm lá trắc bách diệp, xếp đầu nhọn của trứng xuống dưới, đặt trong hũ đậy nắp thật kín, chôn xuống đất (khoảng 3 tháng hoặc lâu hơn.

Khi hỗn hợp bùn, vỏ trấu khô lại là hoàn thành món trứng vịt bắc thảo. Quả trứng lúc này có lòng đỏ chuyển sang màu xanh xám, lòng trắng có màu nâu đen và trong suốt như thạch là ta có thể dùng ăn được.

trứng bắc thảo

Giò thủ, giò tai

Giò thủ, giò tai là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết. Sự kết hợp của những miếng giò béo ngậy, giòn sần sật với vị thơm của hạt tiêu, nước mắm ngon,... sẽ giúp mâm cơm ngày Tết của gia đình bạn trở nên hấp dẫn. 

Nguyên liệu 

  •  1 kg thịt heo sống gồm các bộ phận tai, mũi, và lưỡi (có thể thêm thịt nạc nếu không ăn được béo).
  •  5 củ hành tím.
  •  Gừng: 1 củ.
  •  Vài lát chanh tươi.
  •  2 muỗng nước mắm cốt.
  •  1 muỗng muối hột.
  •  2 muỗng hạt tiêu.
  •  100 gr mộc nhĩ, 100 gr nấm đông cô.
  •  5 miếng lá chuối.
  •  Khuôn làm giò.
  •  Đá viên.

Cách làm 

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu:

- Chà thịt tai, mũi, lưỡi heo với muối hột và rửa thật sạch, cạo hết lông.

- Cho thịt vào nồi ngập nước, thêm chút gừng, vài củ hành tím vào luộc sơ. Thịt chín thì vớt ra tô nước đá, thả vào vài lát chanh cho thịt trắng, giòn, cắt miếng nhỏ.

- Mộc nhĩ (nấm mèo) cắt gốc và ngâm nước ấm cùng nấm đông cô cho nở ra, rửa sạch, để ráo, cắt sợi.

Bước 2: Ướp phần thịt đã thái miếng với tiêu, đường, hạt nêm, mỗi thứ 1 muỗng cà phê và 2 muỗng canh nước mắm ngon trong vòng 30 phút.

Bước 3: Bắc chảo lên bếp, cho một ít dầu ăn vào đun nóng, xào thịt với nấm, mộc nhĩ trên lửa lớn, đảo đều tay, vừa chín tới thì nhắc xuống.

Bước 4: Lót lá chuối vào khuôn, sau đó cho thịt đã xào vào từng chút một, dùng ốc vít trên khuôn ép chặt. Giò ép càng chặt sẽ càng ngon và để được lâu hơn.

Giò thủ, giò tai

Bò khô

Bò khô là món ăn được các gia đình cực kỳ ưa thích trong ngày Tết. Các bạn có thể tự tay vào bếp để chuẩn bị món ăn khoái khẩu này với công thức vô cùng đơn giản. 

Nguyên liệu

  • 500 gr thịt bò.
  • 3 nhánh sả băm nhỏ.
  • 2 muỗng canh bột ngũ vị hương.
  • 1 muỗng dầu điều đỏ.
  • 2 muỗng canh ớt khô.
  • 1 muỗng canh tương ớt Hàn Quốc.
  • 1 muỗng canh dầu hào.
  • 1 muỗng cà phê muối.
  • 1 muỗng cà phê đường.
  • 1 muỗng cà phê hạt tiêu.
  • 1 muỗng cà phê bột nghệ.

Cách làm 

Bước 1: Thịt bò rửa sạch và lau khô. Sau khi thịt đã ráo, thái thịt bò thành những miếng to bản, dày vừa và nhớ là cắt dọc thớ để có thể đảm bảo độ dai ngon và thêm phần đẹp mắt cho miếng thịt.

Bước 2: Băm sả thật nhỏ rồi trộn chung với tiêu và cho vào cối giã nhỏ. Bạn cũng có thể mua sẵn sả băm (sả bột) để có thể tiết kiệm thời gian cho việc băm sả.

Bước 3: Cho thịt bò cùng các gia vị, sả, tiêu đã chuẩn bị bước trên vào tô. Sau đó, trộn đều thịt bò đồng thời bóp nhẹ để gia vị có thể thấm sâu vào thịt bò hơn.

Bước 4: Bạn hãy bọc kín tô thịt bò bằng màn bọc thực phẩm rồi cho vào tủ lạnh qua một đêm để đảm bảo thịt bò ngấm thật kĩ gia vị.

Bước 5: Sau khi thịt ngấm gia vị, bạn xếp 1 lớp thịt bò lên chảo rim với lửa nhỏ trong khoảng 5 phút cho nước trong thịt ứa ra. Sau đó tăng lửa vừa, rim cho nước rút lại vào thịt cho đến khi thịt hơi khô là bạn có thể gắp thịt ra dĩa và tiếp tục rim hết các miếng thịt còn lại.

Bước 6: Khi thịt đã nguội, bạn dùng chày nhỏ dần nhẹ cho miếng thịt bò dẹt ra để thịt bò mềm hơn và có thể dễ dàng xé thành từng miếng nhỏ.

Bước 7: Bạn xếp thịt bò ra khay và cho vào lò nướng ở 100 độ C đã bật trước 10 phút để sấy khô. Cứ sau 10 phút, bạn nhớ trở mặt cho miếng thịt để bò khô được khô ráo đều và không bị sậm màu vì quá lửa.

Bước 8: Cho bò khô vào lọ thủy tinh đậy chặt nắp và để ở nơi thoáng mát.

Cách làm bò khô

Dưa kiệu

Dưa kiệu luôn luôn là món ăn đặc trưng trong gia đình mỗi dịp Tết đến. Dưa kiệu ăn kèm với bánh chưng, bánh tét tạo nên cảm giác vô cùng ngon miệng.

Nguyên liệu 

  • 1 kg củ kiệu.
  • 400 gr đường.
  • 500 ml giấm ăn.
  • 1 muỗng cà phê phèn chua, 2 muỗng canh muối.

Cách làm 

Bước 1: Bạn chuẩn bị một tô hoặc thau nước, cho ít muối vào, rồi cho kiệu vào ngâm tầm 12 tiếng, để qua đêm là tốt nhất, ngâm xong, bạn lấy kiệu ra rửa sạch.

Bước 2: Cho kiệu vào nước pha phèn chua ngâm, đợi ít phút thì lấy kiệu ra cắt sạch gốc và cho lên khay hoặc rổ để phơi ngoài nắng cho khô, ráo nước, phơi tầm 2 lần nắng là được. 

Bước 3:

- Để tăng độ giòn cho kiệu, bạn cần rửa kiệu với giấm.

- Tiếp đó, bạn cần tiến hành ướp kiệu, để kiệu giòn ngon đúng ý, bạn nên trải trước 1 lớp đường sau đó mới trải 1 lớp kiệu lên, rồi cho 1 lớp đường phủ lên trên, sau đó là 1 lớp kiệu, làm như vậy cho đến khi hết kiệu đã chuẩn bị.

Bước 4: Pha nước ngâm

- Cho 500 ml giấm nuôi + 100 gr đường + 1 muỗng cà phê muối vào nồi đun sôi, nhắc ra để nguội.

- Bạn cho kiệu vào hũ thủy tinh, cho nước đường đã pha sẵn, để nguội vào ngập kiệu và đậy thật kín, không cho không khí lọt vào.

- Đợi khoảng tầm 2-3 ngày sau thì kiệu sẽ chua, giòn, ngọt, bạn có thể thưởng thức ngay.

Cách làm dưa kiệu

Thịt đông

Thịt đông là một món ăn rất độc đáo và kích thích vị giác. Món ăn này nếu dùng chung với cơm nóng sẽ là một sự kết hợp tuyệt vời cho bữa cơm ngày Tết của bạn.

Nguyên liệu 

  • 1 kg thịt chân giò (loại có da (bì) màu trắng và được làm sạch).
  • 30 gr mộc nhĩ.
  • 20 gr nấm hương.
  • 1 củ hành khô.
  • Hạt tiêu và gia vị.

Cách làm 

Bước 1: Làm sạch thịt chân giò, cạo bỏ lông và làm sạch bì, thái thịt thành miếng vừa ăn và ướp gia vị cho ngấm. 

Bước 2: Nấm hương, mộc nhĩ sau khi ngâm thì tiến hành rửa sạch, bỏ cuống, thái sợi hoặc thái nhỏ cho vừa ăn.

Bước 3: Phi hành khô cho thơm rồi bỏ thịt vào xào cho thịt ngấm gia vị. Sau đó cho nước vào, lượng nước vừa ngập mặt thịt là vừa. Hầm với lửa nhỏ cho thịt nhừ.

Bước 4: Khi thịt nhừ, nước trong nồi cạn khoảng một nửa so với ban đầu thì cho nấm hương, mộc nhĩ vào nấu chín, tắt lửa và cho thêm hạt tiêu vào để tạo hương thơm cho món ăn.

Bước 5: Múc thịt ra dụng cụ đựng và phơi sương 1 đêm. Tuy nhiên, nếu bạn không có điều kiện để phơi sương bạn có thể cho thịt vào tủ lạnh để làm đông.

Cách làm thịt đông

Dưa giá

Dưa giá là một trong những món ăn kèm không thể thiếu trong bữa cơm ngày Tết. Cùng tham khảo cách làm sau để có món dưa giá ngon đúng chuẩn nhé!

Nguyên liệu

  •  500 gr giá.
  •  1 củ cà rốt bào sợi.
  •  200 gr hẹ.
  •  4-5 trái ớt thái sợi.
  •  3 củ hành tím cắt khoanh.
  •  250 ml nước lọc.
  •  1/2 muỗng cà phê muối.
  •  3 muỗng canh đường.
  •  75 ml giấm ăn.
  •  Dụng cụ: Thau, hũ đựng, muỗng,...

Cách làm 

Bước 1: Rửa sạch nguyên liệu rồi cho tất cả vào 1 cái thau lớn trộn đều

Bước 2: Hoà tan 1/2 muỗng cà phê muối, 3 muỗng canh đường, 75 ml giấm trong 250 ml nước lọc

Bước 3: Cho hỗn hợp nước muối đường giấm vào hũ dưa giá ngâm trong khoảng 2 ngày là có thể ăn được.

Cách làm dưa giá
Có thể bạn quan tâm:
  • Cách làm tương ớt sạch, an toàn cho sức khỏe đơn giản ngay tại nhà.
  • Cách nấu canh giải rượu trong những ngày Tết.

Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có thêm nhiều công thức nấu ăn hấp dẫn để chuẩn bị cho mâm cơm ngày Tết thật chu đáo nhé!

Theo VnExpress