Trẻ 12 tháng tuổi (bé 1 tuổi) đã biết ngồi vững cũng như có thể chập chững những bước đi đầu tiên, ăn các món rắn như táo, dưa vàng…

Mỗi ngày, cuộc sống của thiên thần nhỏ dường như tràn ngập trong sự khám phá và học hỏi, khiến người lớn đôi lúc phải bở hơi tai để trông chừng bé yêu. Mặt khác, nhiều bố mẹ cũng đang băn khoăn trẻ 1 tuổi làm được những gì? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu cột mốc của phát triển ở bé 12 tháng tuổi qua bài viết sau nhé.

Sự phát triển của bé 12 tháng tuổi

Cân nặng của trẻ 12 tháng tuổi thường sẽ tăng gấp ba lần kể từ khi sinh. Vào tháng thứ 12, bé cũng tăng 50% chiều cao và bộ não sẽ đạt 60% so với kích thước não của người trưởng thành.

Sau 12 tháng tăng trưởng đáng kinh ngạc, quá trình phát triển cân nặng của con sẽ bắt đầu chậm dần lại bởi mức độ hoạt động tăng lên.

Giấc ngủ của bé 1 tuổi

Em bé 12 tháng tuổi thường ngủ ít hơn vào ban ngày và nhiều hơn vào ban đêm. Hầu hết trẻ em ở độ tuổi này vẫn cần một giấc ngủ ngắn buổi trưa, sau khi đã được bú hoặc cho ăn no.

Trẻ 12 tháng tuổi biết làm gì?

Bệnh viêm da ở trẻ em

Khả năng vận động

Khi chạm đến giai đoạn thôi nôi, trẻ 12 tháng tuổi có thể đã biết tự đứng vững, một số bé thậm chí còn chập chững những bước đi đầu tiên trong cuộc đời.

Bên cạnh đó, con yêu cũng đã quen với việc tự ngồi, bò bằng tứ chi, bám vào vật gì đó để đứng dậy. Bé tròn 1 tuổi khá giỏi làm một số việc cho bản thân, chẳng hạn như bốc đồ ăn và lật các trang của một cuốn truyện, bấm nút để các món đồ chơi phát ra tiếng nhạc hay chuyển động.

Khả năng giao tiếp

Bé ở giai đoạn 12 tháng tuổi đã có thể phần nào diễn đạt được nhu cầu của mình cho người lớn thông qua cử chỉ lắc đầu, vươn tay. Ngoài ra, con yêu cũng sẽ có thể tỏ ra căng thẳng, thậm chí khóc khi bố mẹ hoặc người thường chăm nom con không ở gần bên.

Trẻ 12 tháng tuổi cũng bắt đầu bập bẹ những từ ngữ đơn giản, chẳng hạn như “ba”, “bố”, “mẹ”… dẫu cho đôi lúc con phát âm không tròn vành rõ chữ lắm.

Trẻ 12 tháng tuổi chích ngừa gì?

Một số mũi tiêm mà bé 1 tuổi cần trong thời điểm này gồm:

  • Tiêm phòng cúm
  • Tiêm phòng viêm gan B
  • Tiêm ngừa bệnh thủy đậu
  • Tiêm phòng viêm não Nhật Bản
  • Tiêm nhắc lại vắc-xin DTaP (ngăn ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà)
  • Tiêm phòng vắc-xin Synflorix để phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu.

Dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi

Thức ăn cho trẻ ăn dặm có lượng đường cao

Do đã biết bò cũng như bước vào giai đoạn chập chững tập đi, con yêu sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn so với trước, khoảng từ 800–1.000 calo/ngày. Do đó, nếu bạn đang nuôi con bằng sữa mẹ, bé nên được bú ít nhất 3 lần trong ngày.

Bên cạnh đó, không ít bậc phụ huynh cũng đã thắc mắc liệu trẻ 12 tháng tuổi ăn cơm được chưa thì câu trả lời là được nếu bé đã được tập làm quen với thức ăn dạng đặc, khả năng nhai nuốt của con tương đối tốt hoặc khi con tỏ ra hứng thú với món ăn này.

Bên cạnh đó, bố mẹ còn có thể cho bé nếm thử các loại thức ăn mềm khác như bún, phở, nui… đã được cắt nhỏ sợi ra trước đó.

Cuối cùng, những món ăn thơm ngon trong bữa phụ như sữa chua, trái cây, váng sữa cũng là gợi ý mà bạn không nên bỏ qua.

Gợi ý món ngon cho trẻ 12 tháng tuổi

Một vài món ăn thú vị mà bạn có thể chế biến để bé yêu thưởng thức gồm:

Gà hấp khoai lang với sữa

Nguyên liệu:
  • Khoai lang: 30g
  • Trứng gà: 1/2 quả
  • Sữa tươi: 60ml
  • Thịt ức gà: 20g
Cách thực hiện:
  1. Khoai lang cắt lát mỏng, hấp chín rồi dằm nát.
  2. Băm nhỏ ức gà, sau đó cho cả trứng gà cùng sữa tươi vào cùng, trộn đều.
  3. Cho hỗn hợp vào bát (chén) đã được thoa 1 lớp dầu mỏng.
  4. Hấp cách thủy hoặc cho vào lò vi sóng trong khoảng 5 phút.

Gan nấu cùng củ cải

Nguyên liệu:
  • Củ cải: 50g
  • Gan gà: 40g
  • Nước dùng: 100ml
  • Xì dầu: 1 thìa cà phê
  • Bột năng: 1 thìa cà phê
Cách thực hiện: 
  1. Luộc hoặc hấp gan gà với vài lát gừng để tạo mùi thơm, bạn có thể cắt hình quân cờ để bé dễ dàng ăn.
  2. Củ cải thái hạt lựu, luộc hoặc hấp chín.
  3. Cho bột năng vào nước dùng để tạo độ sánh, cho xì dầu vào khuấy cùng và làm thành nước sốt.
  4. Khi ăn, rưới nước sốt lên gan và củ cải.

Vấn đề cần được lưu ý

Mỗi trẻ nhỏ đều phát triển theo tốc độ riêng. Tuy nhiên, một số dấu hiệu có thể chỉ ra các vấn đề bất thường, bố mẹ hãy lưu ý nếu con:

  • Bé không biết bập bẹ
  • Tỏ ra thờ ơ với mọi thứ xung quanh
  • Không thể dùng ngón tay chỉ vào đồ vật
  • Tập đi nhưng sải bước bị khập khiễng, chân không đều
  • Không biết bắt chước các hành vi đơn giản, chẳng hạn như vỗ tay, tạm biệt
  • Khi té, bé sẽ luôn ngã về phía trước thay vì có hành động ngồi lùi
  • Không thể nhặt một vật nhỏ (như một quả nho khô) và không thể tự bốc ăn.

Hello Bacsi hy vọng rằng với những thông tin được chia sẻ ở trên, các bố mẹ đã biết thêm được một số điều hữu ích trong việc nuôi dạy trẻ 1 tuổi.

Theo Hellobacsi