Trẻ 19 tháng tuổi vừa đáng yêu mà cũng đầy hiếu động. Bé sẽ dành cả ngày để chơi đùa và khám phá không gian xung quanh.

Trẻ 19 tháng tuổi đồng nghĩa với việc bé đã bước qua mốc một tuổi rưỡi. Trong quãng thời gian này, con yêu đã đạt được những sự phát triển nhất định. Vậy đó là gì? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết sau nhé.

Sự phát triển của trẻ 19 tháng tuổi

Trẻ 19 tháng tuổi nặng bao nhiêu, cao bao nhiêu?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cân nặng trung bình của trẻ 19 tháng là 10.8kg đối với bé gái và 11.15 kg đối với bé trai. Chiều cao trung bình là 81.7 cm đối với bé gái và 83.3cm đối với bé trai.

Bé 19 tháng tuổi làm được gì?

  • Về thể chất

Trẻ 19 tháng tuổi đã có thể tự đi, không những vậy, một số bé còn đi rất nhanh hoặc thậm chí là cả chạy. Bên cạnh đó, bé cũng bắt đầu sử dụng ngón tay thành thạo hơn để cầm nắm đồ chơi. Khi thấy bốmẹ thực hiện các động tác như rửa tay, gấp quần áo… con cũng bắt chước theo.

Bé cũng dần mọc thêm răng nên bạn hãy chú ý đến tình trạng sốt mọc răng của con yêu nhé.

  • Về ngôn ngữ

Bé 19 tháng tuổi bập bẹ được 10-20 từ đơn giản. Bên cạnh đó, con yêu cũng tiếp thu từ mới mỗi ngày để có thể vận dụng về sau. Bạn hãy dạy cho con những từ ngữ xoay quanh chủ đề màu sắc đồ vật bởi chúng vừa khá đơn giản mà còn lại dễ nhớ.

Chế độ dinh dưỡng của bé 19 tháng tuổi

trẻ 19 tháng tuổi ăn

Theo các chuyên gia, trẻ 19 tháng tuổi cần có 3 bữa ăn chính, đi kèm với đó là 2 bữa phụ. Bên cạnh đó, bạn có thể cho bé uống khoảng 300-400ml sữa mỗi ngày để có thể cung cấp năng lượng cho nhu cầu hoạt động của con trong suốt ngày dài.

Ngoài ra, các thực phẩm tốt cho trẻ 19 tháng tuổi gồm:

Thịt

Bạn hoàn toàn có thể cho bé ăn các loại thịt như thịt bò, thịt heo, thịt gà thái sợi hoặc xắt nhuyễn bởi đây là một trong những nguồn protein chính mà con yêu cần.

Trái cây

Trái cây là yếu tố không thể thiếu đối với chế độ dinh dưỡng, Trẻ 19 tháng tuổi ăn được các loại trái cây dễ tiêu hóa như chuối, táo, kiwi, thanh long, dưa hấu bỏ hạt… như 1 bữa phụ hoặc tráng miệng. Để tạo hứng thú cho bé, bạn hãy cắt trái cây thành những hình thù vui nhộn hoặc thái thành thanh dài cho bé ăn theo phương pháp ăn dặm BLW.

Các chế phẩm từ sữa

Khi đạt đến mốc 19 tháng tuổi, bố mẹ có thể cho bé ăn thêm phô mai, váng sữa, sữa chua… Những món ăn này không những ngon mà còn giúo bé bổ sung thêm canxi cũng như các khoáng chất thiết yếu khác.

Hải sản

Bên cạnh thịt thì bố mẹ cũng hãy cho bé làm quen với các loại thủy hải sản như cá hồi, cá ngừ, cá lóc đồng, lươn, tôm… để làm phong phú, đa dạng hơn bữa ăn của con yêu nhé.

Các loại ngũ cốc

Ngoài gạo trắng thông thường, bạn có thể chế biến cho con các món ăn từ gạo nâu, yến mạch, hạt diêm mạch, các loại đậu, khoai (khoai tây, khoai lang…)… Những thực phẩm từ ngũ cốc rất tốt cho cơ thể và cung cấp  lượng protein thực vật dồi đào.

Trứng là thực phẩm tốt cho bé 19 tháng tuổi

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 19 tháng tuổi dường như không thể thiếu trứng. Trứng là thực phẩm dễ chế biến và cũng rất giàu dinh dưỡng. Bạn có thể cho bé ăn cháo trứng, trứng luộc hoặc trứng bác, trứng hấp để kích thích sự ngon miệng của con yêu.

Các loại rau củ quả

Trẻ 19 tháng tuổi có thể không quá thích con các món rau củ nhưng bố mẹ vẫn cần khuyến khích bé ăn rau để bổ sung thêm chất xơ và các chất dinh dưỡng khác như vitamin A, B, C, E hoặc kẽm, sắt chất xơ…

Một số loại rau củ quả thích hợp cho bé 19 tháng tuổi gồm: Cải bó xôi, súp lơ, cà rốt, khoai tây, nấm, các loại đậu, cà chua, bầu bí, mồng tơi….

Chăm sóc bé 19 tháng tuổi

Một số lưu ý trong việc chăm sóc trẻ 19 tháng tuổi gồm:

  • Bạn có thể tập cho con ngồi bô từ bây giờ
  • Hầu hết trẻ 19 tháng tuổi cần ngủ khoảng 10-12 giờ vào ban đêm, cộng với một giấc ngủ ngắn khoảng 1,5 – 3 giờ vào giữa ngày, tổng cộng 13 đến 14 giờ ngủ mỗi ngày
  • Cố gắng không để bé bị táo bón bằng cách cho con uống nhiều nước lọc và rau củ, hoa quả tươi
  • Bạn có thể cho con đi xe đạp 3 bánh hoặc xe tập đi vì hoạt động thể chất không những giúp bé phối hợp cơ chân mà còn tăng cảm giác thèm ăn
  • Đồ chơi cho trẻ nên phù hợp với độ tuổi bởi các bé 19 tháng tuổi có xu hướng nhai hoặc cắn bất cứ thứ gì mà bé có được
  • Bạn có thể bọc lại các cạnh viền ở những vật dụng góc cạnh, chẳng hạn như cạnh bàn, góc bếp…
Theo Hellobacsi