Trẻ 23 tháng tuổi, “thiên thần nhí” của mẹ giờ đây sắp chạm mốc 2 tuổi rồi. Sau đây là tất cả những gì bạn cần nắm để quá trình nuôi dạy con trở nên dễ dàng, giúp con phát triển tốt hơn. 

Nên nhớ rằng, cho dù con đang hướng đến cột mốc nào đi chăng nữa, ba mẹ vẫn nên đồng hành và tạo mọi điều kiện để giúp bé phát triển tối ưu cả về thể chất lẫn trí tuệ nhé!

Điểm qua những mốc phát triển quan trọng của trẻ 23 tháng tuổi

Sau đây là một số nét nổi bật của trẻ giai đoạn 23 tháng tuổi:

1. Chiều cao, cân nặng

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bé trai 23 tháng có cân nặng trong khoảng từ 12,2 – 15,3kg (thấp hơn mức này là suy dinh dưỡng, cao hơn là thừa cân) và chiều cao trung bình là 87,1cm. Riêng với bé gái, cân nặng sẽ vào khoảng 11,5 – 14,8kg, chiều cao trung bình là 86,4cm.

2. Trẻ 23 tháng tuổi và những thay đổi trong nhận thức

nhận thức của trẻ 23 tháng tuổi

Bước vào giai đoạn này, bé yêu đã có thể:

  • Nhớ rõ vị trí các đồ vật trong nhà, nhất là những thứ trẻ yêu thích
  • Chỉ rõ được những thứ bạn gọi tên (chẳng hạn những hình vẽ, vật dụng đơn giản)
  • Biết cách dùng một vài vật dụng cơ bản trong nhà (muỗng ăn, điện thoại)
  • Lắng nghe và thực hiện theo những câu lệnh gồm hai bước ví dụ: “lại gần mẹ, ngồi xuống nào”
  • Bắt đầu tìm kiếm sự đồng thuận từ bố/mẹ. Đây là khởi đầu quan trọng để con học hỏi những điều tích cực
  • Một số bé còn có thể sắp xếp được đồ vật dựa trên kích thước và thuộc tính.

3. Sự phát triển về thể chất của trẻ 23 tháng tuổi

Trẻ gần được 2 tuổi chẳng những hiếu động mà còn nhanh nhẹn đến ngạc nhiên. Một vài cột mốc quan trọng mà ba mẹ cần nắm như sau:

  • Về kỹ năng vận động tinh: Con đã dùng thuần thục thìa, đũa và có thể xoay nắm cửa
  • Kỹ năng vận động thô: Trẻ độ tuổi này thường bị cuốn hút bởi việc lên xuống cầu thang, trèo lên chấn song hay hàng rào. Ban đầu, bé có thể cần đến sự trợ giúp của ba mẹ nhưng về sau đã có thể tự thực hiện một mình. Bé cũng đã giữ thăng bằng tốt hơn, bằng chứng là nhiều trẻ đứng vững trên mũi chân của mình. Cơ lưng và chân của bé đã mạnh hơn hẳn, điều này cho phép trẻ cúi mình xuống và nhấc đồ vật lên khỏi sàn dễ dàng
  • Một vài bé đã có thể tự thay quần áo
  • Hai răng hàm dưới bắt đầu mọc để phục vụ cho việc nhai thức ăn tốt hơn. Mẹ nên chú ý vì điều này thường khiến trẻ cảm thấy khó chịu.

4. Về mặt cảm xúc

trẻ 23 tháng

Trẻ 23 tháng tuổi rất dễ thay đổi cảm xúc. Theo đó, bé thường xuyên nổi cáu và bày tỏ thái độ chống đối khiến bạn lo lắng chẳng rõ mình dạy con sai chỗ nào. Tuy nhiên, cần hiểu rằng đây chỉ là sự thay đổi nhất thời trong giai đoạn phát triển của trẻ (khủng hoảng tuổi lên 2) và chỉ một thời gian ngắn là bé sẽ ổn định lại như trước. Điều quan trọng là bố mẹ cần hết sức bình tĩnh và luôn bên cạnh để nâng đỡ bé.

Một vài dấu mốc về mặt cảm xúc mà trẻ đã và sắp đạt được bao gồm:

  • Trẻ muốn chơi đùa và bắt chước hành động của bạn bè cùng trang lứa
  • Đừng buồn khi bé yêu lúc này đã biết thiên vị bố hơn mẹ hoặc ngược lại bởi đây chỉ đơn thuần là cách trẻ phát huy sự độc lập thông qua cơ hội được chọn
  • Bé sẽ khiến bạn phì cười bằng cách làm mặt ngộ nghĩnh hoặc thể hiện những hành động đáng yêu
  • Bé sẽ thấy lo nếu bố/mẹ không ở bên cạnh. Đây là thời điểm mà nỗi lo về sự chia ly có thể lên đỉnh điểm.

5. Khả năng giao tiếp của trẻ 23 tháng tuổi

Ở tuổi này, phần lớn trẻ đã nói sõi những câu đơn giản bao gồm một danh từ và một động từ (chẳng hạn “mẹ bế”). Bé cũng có thể nói những từ lịch sự như “cảm ơn”, “dạ”, “vâng” nếu được bố mẹ dạy thường xuyên. Thú vị hơn, trẻ 23 tháng đã biết hát những bài hát ngắn với giai điệu đơn giản. Để khuyến khích con làm việc này, bố mẹ nên cho bé nghe băng nhạc thiếu nhi nhiều hơn nhé!

Trẻ 23 tháng tuổi, mẹ biết gì về giấc ngủ của con?

Hội mẹ bỉm sữa hẳn sẽ thắc mắc trẻ 23 tháng cần ngủ bao nhiêu giờ mỗi ngày? Xin trả lời bé trong độ tuổi này cần ngủ từ 13 – 14 giờ mỗi ngày. Trong đó, giấc ngủ về đêm chiếm khoảng 11 – 12 giờ và giấc ngủ ngắn buổi trưa vào khoảng 1,5 – 3 giờ.

Cần hiểu rằng mỗi trẻ có một nhu cầu về thời gian ngủ khác nhau. Vì thế, bố mẹ nên tạo điều kiện để con được ngon giấc. Khi ngủ đủ giấc, trẻ sẽ tự thức dậy mà không cần  phải đánh thức. Với trường hợp bé thức dậy lúc nửa đêm, bạn không nên vội can thiệp bởi nhiều bé sẽ tự ngủ thiếp đi ngay sau đó. Điều quan trọng là bạn nên tạo cho con thói quen ngủ vào khung giờ cố định, hạn chế để bé thức khuya dễ khiến con bồn chồn và dễ cáu gắt hơn.

Chế độ ăn cho trẻ 23 tháng tuổi cần những gì?

trẻ 23 tháng tuổi đã biết tự bốc ăn

Bé yêu đang trên đà phát triển nên nhu cầu về khẩu phần ăn và dinh dưỡng cũng tăng theo. Các chuyên gia nhi khoa khuyến cáo trẻ 23 tháng nên có 3 bữa chính và 2 bữa phụ trong ngày. Hầu hết trẻ mới biết đi đã có thể ăn đa dạng các nhóm thực phẩm bao gồm: tinh bột đường – đạm – béo – chất xơ. Khẩu phần cụ thể mỗi ngày như sau:

  • Khoảng ¾ – 1 chén trái cây và rau quả
  • ¼ chén ngũ cốc, tinh bột đường
  • 3 thìa canh đạm (thịt, cá)
  • Trẻ cũng nên dùng thêm sữa hoặc các chế phẩm từ sữa nhằm đáp ứng nhu cầu canxi và nhiều dưỡng chất thiết yếu khác.

Một nguyên tắc về chế độ ăn cho trẻ 23 tháng tuổi mẹ cần nắm là tuyệt đối không ép trẻ ăn. Hành động này tưởng chừng vô hại nhưng lại gây nhiều tác động tiêu cực đến thói quen ăn uống của trẻ sau này. Trẻ biếng ăn là điều rất dỗi bình thường. Bạn không nên quá lo chuyện con ăn ít hay nhiều bởi có lúc bé sẽ ăn bù lại. Quan trọng nhất là hãy chọn ra những thực phẩm lành mạnh.

Với những món ăn mới, mẹ nên kiểm tra kỹ lưỡng trước khi giới thiệu cho con để tránh phản ứng dị ứng có thể xảy ra.

Chia sẻ những lời khuyên thiết thực để bé yêu phát triển toàn diện

Làm cha mẹ, ai cũng mong mỏi con khôn lớn, khỏe mạnh. Muốn vậy, bạn có thể tham khảo ngay những mẹo hay để con chóng đạt được những mốc phát triển giai đoạn này:

  • Luôn trò chuyện, hát hò và cười đùa cùng bé để con có thể mở rộng vốn từ vựng và khả năng tương tác hơn nữa
  • Bày trò chơi vận động cho trẻ. Bạn có thể thử cho bé chơi đùa cùng bong bóng xà phòng. Lúc này bạn hãy yêu cầu con đuổi theo và làm vỡ bong bóng. Hoạt động này sẽ giúp tăng cường sức mạnh cho các cơ ở chân trẻ
  • Tạo ra nhiều chướng ngại vật trên sàn và yêu cầu bé vượt qua chúng giúp kích thích các cơ bắp phát triển hơn nữa
  • Trẻ giai đoạn này khá hiếu động, nên tốt nhất bạn nên theo sát và chú ý mọi hành vi của con.
Theo Hellobacsi