Hiện tượng tảo nở hoa lan rộng do biến đổi khí hậu biến băng tuyết tại nhiều khu vực ở Nam Cực chuyển sang sắc xanh.

Hiện tượng ‘tuyết xanh’ tạo ra bởi tảo nở hoa đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở Nam Cực, trong bối cảnh nhiệt độ tại lục địa này đang ngày càng ấm áp hơn do ảnh hưởng của biến đối khí hậu toàn cầu.

Đây là nghiên cứu vừa được công bố vào ngày 20/5 của nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Cambridge và Viện Khảo sát Nam cực của Anh. Sau khi xem xét dữ liệu do vệ tinh Sentinel 2 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu thu thập từ 2017 đến 2019, kết hợp cùng với dữ liệu quan sát trực tiếp tại thực địa, nhóm nghiên cứu đã lập được bản đồ về sự phân bố của tảo nở hoa dọc bán đảo Nam Cực trong mùa hè.

Thường xuất hiện từ tháng 11 đến tháng 12, tảo nở hoa trên bề mặt lớp tuyết ở những khu vực ấm áp dọc bờ biển, nơi nhiệt độ thường ở trên 0 độ C. Nhóm nghiên cứu đã xác định được tổng cộng 1.679 đám tảo nở hoa trên bề mặt tuyết, bao phủ khu vực rộng 19,2 km, thậm chí có thể nhìn thấy từ vũ trụ. Lượng tảo này hấp thụ lượng carbon khoảng 479 tấn mỗi năm.

Theo nhóm nghiên cứu, sự gia tăng nhiệt độ tại Nam Cực vào mùa hè sẽ tạo ra môi trường ‘thuận lợi hơn’ cho tảo phát triển.

"Khi Nam Cực ấm lên, chúng tôi dự đoán tổng khối lượng tảo tuyết sẽ gia tăng", tiến sĩ Andrew Gray, nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge, đồng thời cũng là tác giả chính của báo cáo cho biết.

Tuy nhiên, sự phát triển của tảo xanh có sự liên quan mật thiết với quần thể chim cánh cụt sinh sống tại Nam Cực. Theo các nhà nghiên cứu, phân của loài động vật này đóng vai trò như phân bón giúp thúc đẩy sự phát triển của tảo. Ghi nhận thực tế tại Nam Cực cho thấy, phần lớn tảo mọc trong phạm vi 4,8 km quanh nơi sinh sống của các đàn chim cánh cụt.

Tuyết Nam Cực bỗng nhiên chuyển sang màu xanh lá, có thể thấy rõ từ vũ trụ: Điều gì đang diễn ra ở đây vậy? - Ảnh 1.

Hiện tại, khoảng 2/3 lượng tảo nở hoa phân bổ chủ yếu trên các hòn đảo nhỏ nằm dưới mực nước biển dọc bán đảo Nam Cực. Khi thời tiết tại Nam Cực ấm áp hơn do biến đổi khí hậu, tuyết trên những hòn đảo này sẽ hoàn toàn biến mất vào mùa hè.

Do tảo nở hoa không thể hình thành khi không có tuyết, nhóm nghiên cứu dự đoán 62% lượng tảo ở những khu vực này sẽ mất đi. Tuy nhiên, lượng tảo sinh trưởng mới ở những khu vực cao hơn mực nước biển, vốn là nơi sinh sống của các đàn chim cánh cụt, sẽ bù đắp lại lượng tảo đã bị biến mất.

Tuyết Nam Cực bỗng nhiên chuyển sang màu xanh lá, có thể thấy rõ từ vũ trụ: Điều gì đang diễn ra ở đây vậy? - Ảnh 2.

Đáng chú ý, sự gia tăng của tảo nở hoa cũng có thể làm trầm trọng hơn tình trạng băng tan tại Nam Cực. Chúng hấp thụ ánh sáng mặt trời làm khu vực xung quanh nóng hơn, khiến các tảng băng tan nhanh hơn.

"Các bông tảo tuyết màu xanh lá sẽ phản chiếu khoảng khoảng 45% ánh sáng chiếu vào nó, trong khi tuyết phản chiếu khoảng 80% ánh sáng. Vì vậy nó sẽ làm tăng tốc độ tan chảy của tuyết trong khu vực", ông nói giải thích.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên Hợp Quốc, Bán đảo Nam Cực đang là một trong những vùng "nóng lên nhanh nhất" của Trái Đất. Nhiệt độ ở đây trung bình tăng 3 độ C trong 50 năm qua.

Theo CafeBiz