Sắc lệnh vào đầu tháng 8 của tổng thống Mỹ Donald Trump, nhằm cấm người dân và thực thể Mỹ giao dịch với ứng dụng TikTok và WeChat của Trung Quốc, tiếp tục gây tranh cãi.

Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng Mỹ sẽ gia tăng chiến dịch "làm sạch internet", với mục tiêu "gìn giữ an ninh tài sản" của nước này.

Apple sẽ chịu ảnh hưởng vì ông Trump cấm WeChat

Đài CCTV (Trung Quốc) dẫn thông tin từ Bloomberg, nói rằng Trung Quốc là một trong số thị trường quan trọng nhất của hãng công nghệ Mỹ Apple, và sắc lệnh hành pháp của ông Trump về việc cấm giao dịch với WeChat - thuộc sở hữu của tập đoàn công nghệ khổng lồ Trung Quốc Tencent - có thể khiến Apple chịu tác động đáng kể.

Theo Bloomberg, WeChat là ứng dụng then chốt trong đời sống số hóa của Trung Quốc với hàng trăm triệu người sử dụng nền tảng này để mua sắm, thanh toán, liên lạc, lên mạng,... cùng nhiều dịch vụ thương mại và trao đổi cá nhân.

Sắc lệnh của ông Trump sẽ chặn đứng tất cả giao dịch tại Mỹ liên quan đến WeChat, khiến người sử dụng thiết bị của Apple không thể tải xuống ứng dụng này từ Appstore.

Nếu không có WeChat, người tiêu dùng ở Trung Quốc và một số khu vực của châu Á được cho là sẽ giảm bớt mong muốn sở hữu điện thoại iPhone.

Anand Srinivasan, nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, cho biết 20% lượng tiêu thụ điện thoại của Apple đến từ thị trường Trung Quốc, do đó khi WeChat bị loại bỏ khỏi kho ứng dụng Appstore, "đây sẽ là một trở ngại nghiêm trọng đối với sự phát triển của chính Apple".

Bloomberg cho hay, sắc lệnh của ông Trump đặt ra thời hạn 45 ngày trước khi chính thức có hiệu lực, trong thời gian này có thể xuất hiện những diễn biến mới, bao gồm khả năng Apple cho phép người dùng tải về ứng dụng mà không cần thông qua Appstore. Tuy nhiên đây được xem là thay đổi lớn và mạo hiểm với hãng công nghệ này.

Nếu lệnh cấm của Trump có hiệu lực, trong khi Apple không có giải pháp xử lý, người tiêu dùng ở Trung Quốc rất có khả năng chuyển sang sử dụng các sản phẩm cao cấp khác trong nước, như diện thoại của Huawei. Như thế, doanh nghiệp Trung Quốc có thể trở thành những người hưởng lợi sau cùng.

Trả lời phỏng viên tại Nhà Trắng hôm 14/8 về lo ngại lệnh cấm WeChat làm giảm doanh số của Apple tại Trung Quốc, ông Trump nói rằng "Thế nào cũng được", đồng thời nhấn mạnh bảo vệ an ninh quốc gia là ưu tiên hàng đầu của chính quyền.

Chiến dịch "làm sạch internet"

BBC đưa tin, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố chiến dịch "làm sạch internet" sẽ buộc các công ty Trung Quốc rời khỏi hệ thống mạng của Mỹ. Các nhà quan sát cho rằng, động thái của Mỹ có thể khiến mạng internet toàn cầu gặp phải nhiều rủi ro hơn và cuối cùng trở thành "mạng bị chia cắt" (Splinternet), không còn là mạng internet cởi mở ở phạm vi toàn cầu.

Trang Politico (Mỹ) dẫn nhận xét của các nhà phân tích, đánh giá rủi ro và tổn thất khi Mỹ nhắm vào các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ không chỉ giới hạn ở các doanh nghiệp và sản phẩm Trung Quốc. Nhiều công ty phương Tây có dây chuyền ở Trung Quốc cũng như mối liên hệ mật thiết với các hãng sản xuất bản địa.

Các nhà quan sát châu Âu đề cập chương trình gián điệp quy mô lớn của Mỹ có tên Prism (bị phơi bày trong tài liệu mật mà "người thổi còi" Edward Snowden tiết lộ cho báo giới), cho rằng Mỹ cũng là một "thủ phạm" trong các chương trình giám sát toàn cầu. Trong chương trình của Mỹ được cho là có sự tham dự của 9 công ty công nghệ hàng đầu.

Tài liệu mật do cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) rò rỉ hé lộ Prism không chỉ gím sát công dân và cư dân ở Mỹ, mà còn có nhiều chính khách và người dân ở Đức, Pháp, cùng nhiều nước châu Âu bị nghe lén.

Phản ứng trước tuyên bố của ông Pompeo về chiến dịch "làm sạch internet", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cáo buộc Mỹ "lạm dụng sức mạnh quốc gia để kìm hãm doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc". Ông Uông tuyên bố hành động của Mỹ "không có căn cứ thực tế" và "đi ngược lại nguyên tắc của thị trường và thương mại quốc tế".

Theo CafeBiz