Khác với Facebook, Twitter, Zoom không hề bị cấm ở Trung Quốc.

Theo hãng tin Reuters, ba nhà lập pháp Hoa Kỳ đã yêu cầu Zoom Video Communications làm rõ việc thu thập dữ liệu cũng như mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc, sau khi công ty này cho biết họ đã tạm dừng tài khoản người dùng theo yêu cầu của Bắc Kinh.

Zoom, có trụ sở tại California, hiện đang trong diện bị điều tra nghiêm ngặt sau khi ba nhà hoạt động xã hội ở Mỹ và Hồng Kông nói tài khoản của họ bị chặn, các cuộc họp trực tuyến bị gián đoạn.

Ngày 12/6, Zoom cho biết, họ đã nhận được nhiều yêu cầu chặn tài khoản từ chính phủ Trung Quốc trong tháng Năm và đầu tháng Sáu. Phía Zoom cũng xác nhận họ đã khôi phục ba tài khoản này trong cùng ngày và cam kết không thực thi các yêu cầu của Bắc Kinh, gây ảnh hưởng đến người dùng ở bên ngoài Trung Quốc.

“Chúng tôi không cung cấp bất kỳ thông tin nào của người dùng hay bất kỳ nội dung cuộc họp nào cho chính phủ Trung Quốc”, đại diện của Zoom tuyên bố. "Chúng tôi không có lỗ hổng nào cho phép bất kỳ ai bí mật tham gia bất kỳ cuộc họp nào”.

Công ty chuyên về lĩnh vực họp video trực tuyến đã trở nên quen thuộc khi đại dịch Covid-19 bùng phát buộc hàng trăm triệu người phải làm việc tại nhà. Số lượt tải ứng dụng Zoom ở Trung Quốc cũng tăng chóng mặt.

Khác với Facebook và Twitter đã từ bỏ nỗ lực đột phá vào thị trường đông dân nhất hành tinh do không thể tuân theo các yêu cầu kiểm duyệt và giám sát nội dung của Bắc Kinh, Zoom không hề bị chặn ở Trung Quốc. Hôm 11/6, Twitter cho biết đã xóa nhiều tài khoản liên quan chặt chẽ đến các hoạt động gây ảnh hưởng do Bắc Kinh hậu thuẫn.

Greg Walden và Cathy McMorris Rodgers, hai Nghị sĩ Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa đã gửi thư cho CEO của Zoom là Eric Yuan, yêu cầu làm rõ khâu xử lý dữ liệu, trả lời xem liệu có việc chia sẻ những dữ liệu này cho phía Bắc Kinh hay không và có mã hóa thông tin cá nhân của người dùng hay không.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Josh Hawley cũng đã viết thư cho Eric Yuan, yêu cầu tỷ phú này “chọn một bên” giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ba chính trị gia này đã từng bày tỏ lo ngại về ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng video ngắn TikTok về việc xử lý dữ liệu cá nhân và ByteDance cũng đang trong giai đoạn chuyển đầu não quyền lực sang Hoa Kỳ để chứng tỏ không có liên quan gì với chính quyền Trung Quốc, Reuters đưa tin.

Phía Zoom đã ra thông cáo thể hiện sự hợp tác với yêu cầu của các Nghị sĩ, trong khi đó, Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc vẫn chưa hồi đáp yêu cầu bình luận từ Reuters về vấn đề này.

Có rất nhiều nhân viên ở mảng nghiên cứu và phát triển của Zoom làm việc tại Trung Quốc. CEO kiêm nhà sáng lập Eric Yuan sinh ra ở Trung Quốc, di cư sang Mỹ sau khi tốt nghiệp đại học. Hiện Eric Yuan mang quốc tịch Mỹ.

Theo CafeBiz