Nếu muốn cải thiện tình trạng tinh dịch loãng hơn bình thường, bạn cần tìm ra đúng nguyên nhân và kiên nhẫn điều trị. Khi giải quyết được những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, bạn sẽ có thể cải thiện được tinh dịch bị loãng để sớm có tin vui. 

Tinh dịch thường khá đặc và có màu trắng nhưng cũng có thể thay đổi kết cấu cũng như màu sắc nếu sức khỏe của bạn thay đổi. Tình trạng tinh dịch loãng có thể xảy ra do số lượng tinh trùng thấp, lối sống không lành mạnh và thiếu hụt dinh dưỡng.

Nguyên nhân khiến tinh dịch loãng

Có rất nhiều nguyên nhân khiến tinh dịch bị loãng và đổi màu. Bạn có thể tham khảo một số tác nhân ảnh hưởng tới tinh dịch sau đây:

1. Số lượng tinh trùng thấp

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định tình trạng số lượng tinh trùng thấp có nghĩa là nam giới sản xuất ít hơn 15 triệu tinh trùng trên một ml tinh dịch. Tình trạng ít tinh trùng có thể không có nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, một số bệnh do di truyền như hội chứng Klinefelter có thể ảnh hưởng đến số lượng tinh trùng. Các nguyên nhân khác có thể khiến số lượng tinh trùng thấp là:

  • Thừa cân
  • Hút thuốc lá
  • Nhiễm trùng
  • Sử dụng ma túy
  • Uống nhiều bia rượu
  • Dùng một số loại thuốc
  • Mắc các chứng rối loạn nội tiết tố như cường giáp và giảm chức năng tuyến sinh dục
  • Tiếp xúc với chất phóng xạ hoặc các độc tố như hóa chất công nghiệp, thuốc diệt cỏ và chì

Số lượng tinh trùng thấp có thể khiến bạn gặp khó khăn khi muốn có con. Tuy nhiên, tình trạng này chưa hẳn đã dẫn tới hiếm muộn.

2. Xuất tinh ngược

Trong quá trình xuất tinh, tinh dịch đi qua niệu đạo và ra khỏi dương vật. Tuy nhiên, tinh dịch có thể đi ngược vào bàng quang nếu một cơ thắt bàng quang bị rối loạn chức năng. Tình trạng này gọi là xuất tinh ngược. Những nam giới bị xuất tinh ngược có thể sản xuất ít tinh dịch hoặc tinh dịch bị lỏng hơn bình thường.

3. Giãn tĩnh mạch thừng tinh

Giãn tĩnh mạch thừng tinh

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng sưng các tĩnh mạch chạy từ tinh hoàn đến bìu. Chứng này có thể không gây ra triệu chứng gì nhưng lại làm giảm số lượng tinh trùng và giảm chất lượng tinh dịch trong một số trường hợp. Bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên bìu.

Bệnh này rất phổ biến và ảnh hưởng đến khoảng 15% nam giới. Có tới khoảng 40% nam giới đi kiểm tra các vấn đề sinh sản mắc tình trạng này. Tuy nhiên, khoảng 80% nam giới mắc chứng giãn tĩnh mạch thừng tinh không có bất kỳ vấn đề hiếm muộn nào.

4. Xuất tinh thường xuyên

Việc xuất tinh quá thường xuyên bằng cách thủ dâm và quan hệ có thể khiến tinh dịch bị loãng. Nếu bạn thủ dâm hoặc quan hệ tình dục nhiều lần mỗi ngày, cơ thể có thể không có đủ thời gian để tạo tinh dịch đủ nhiều và chất lượng.

Trong một nghiên cứu năm 2016, 20 nam giới đã xuất tinh hàng ngày trong 14 ngày sau 3 – 5 ngày không xuất tinh. Các nhà nghiên cứu đã thu thập và phân tích các mẫu tinh dịch của người tham gia vào các ngày 1, 3 và 14 của quá trình nghiên cứu. Họ phát hiện ra rằng cả lượng tinh dịch và lượng tinh trùng đều giảm ở khoảng giữa ngày 1 và 3 cũng như ở khoảng giữa ngày 7 và 14.

5. Ăn uống thiếu kẽm

Kẽm là một chất dinh dưỡng quan trọng hỗ trợ nhiều chức năng thiết yếu của cơ thể như tổng hợp DNA, chống nhiễm trùng, chữa lành vết thương và sinh sản. Đây cũng là dưỡng chất đóng vai trò trong việc sản xuất tinh trùng khỏe mạnh. Tình trạng thiếu kẽm có thể góp phần khiến chất lượng tinh dịch giảm và dẫn đến hiếm muộn.

Cơ thể không thể tự sản xuất hoặc tích trữ kẽm nên bạn chỉ có thể bổ sung kẽm từ thực phẩm. Một số nguồn kẽm bạn có thể bổ sung vào chế độ ăn uống là:

  • Hàu
  • Các loại đậu
  • Các loại hạt và ngũ cốc
  • Thịt đỏ, thịt gia cầm và hải sản có vỏ
  • Sữa chua và các sản phẩm từ sữa khác

Tình trạng tinh dịch loãng như nước đôi khi có thể đi kèm với dấu hiệu tinh dịch bị đổi màu. Đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nên bạn cũng cần tìm ra nguyên nhân để chữa trị. Tinh dịch màu hồng, đỏ hoặc nâu có thể do có chứa máu. Điều này có thể do bạn bị viêm tuyến tiền liệt hoặc sưng túi tinh. Các nguyên nhân khác khiến tinh dịch lẫn máu là:

  • Huyết áp cao
  • Mặc bệnh lây truyền qua đường tình dục
  • Nhiễm trùng tuyến tiền liệt
  • Ung thư tuyến tiền liệt, tinh hoàn hoặc niệu đạo

Tinh dịch có màu vàng có thể do có lẫn nước tiểu hoặc quá nhiều tế bào bạch cầu. Trong khi đó, tinh dịch màu xanh lá cây có thể do nhiễm trùng tuyến tiền liệt hoặc các cơ quan sinh sản khác.

Tình trạng tinh dịch loãng thường chỉ là tạm thời và có thể tự khỏi. Nếu tình trạng này kéo dài, bạn có thể có ít tinh trùng hoặc mắc một số bệnh ảnh hưởng khả năng sinh sản.

Điều trị tình trạng tinh dịch loãng

Bác sĩ điều trị tình trạng tinh dịch loãng

Cách điều trị tình trạng tinh dịch loãng hoặc đổi màu sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân tiềm ẩn. Để chẩn đoán nguyên nhân khiến tinh dịch bị loãng hoặc đổi màu, bác sĩ sẽ hỏi một số triệu chứng bạn đang gặp, tiền sử bệnh và thói quen sinh hoạt của bạn. Nếu cần thiết, bác sĩ cũng có thể thực hiện kiểm tra thể chất. Bác sĩ cũng có thể lấy mẫu tinh dịch và phân tích để kiểm tra các yếu tố:

  • Độ đặc loãng và tính nhất quán
  • Tính axit
  • Số lượng tinh trùng
  • Khả năng di chuyển của tinh trùng
  • Kích thước và hình dạng của tinh trùng

Nếu nguyên nhân do nhiễm vi khuẩn, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh để giúp bạn cải thiện chất lượng tinh dịch. Đối với những người bị mất cân bằng hormone, bác sĩ có thể khuyến nghị bạn thực hiện liệu pháp hormone. Nếu tinh dịch bị loãng do chứng giãn tĩnh mạch thừng tinh, bạn có thể đi khám để thực hiện phẫu thuật nội soi hoặc thuyên tắc qua da.

Ngoài các cách chữa trị kể trên, bạn có thể thay đổi lối sống để cải thiện chất lượng tinh dịch theo cách sau:

  • Ngủ đủ giấc
  • Bỏ thuốc lá
  • Giảm bia rượu
  • Giảm căng thẳng
  • Duy trì cân nặng lành mạnh

Bạn nên đi khám nếu tình trạng tinh dịch loãng hoặc đổi màu kéo dài hoặc nếu bạn có thêm các triệu chứng như:

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Buồn nôn
  • Dịch tiết bất thuờng
  • Đi tiểu khó hoặc đau
  • Đau bụng dưới hoặc lưng dưới
  • Đau hoặc khó chịu ở tinh hoàn hoặc bìu

Tinh dịch loãng đôi khi do chế độ ăn uống không đủ dinh dưỡng, sinh hoạt tình dục không điều độ nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh nguy hiểm. Để cải thiện chất lượng tinh dịch, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân kỹ càng và chữa trị đúng cách.

Như Vũ | HELLO BACSI

Theo Hellobacsi