Làn da trẻ sơ sinh sẽ liên tục thay đổi sắc độ do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, do đó rất nhiều bà mẹ băn khoăn không biết màu da thật của trẻ sơ sinh trông như thế nào.

Tìm hiểu về da của trẻ sơ sinh là một trong những khía cạnh thú vị nhưng cũng không kém phần quan trọng để biết bé cưng có đang khỏe mạnh hay không. Mỗi bé là một cá thể độc lập và sẽ sở hữu những đặc điểm khác nhau về làn da. Ở giai đoạn sơ sinh, da của bé sẽ thường xuyên thay đổi và điều này phụ thuộc và chủng tộc, tuổi, thân nhiệt cơ thể và thậm chí cả việc bé có đang quấy khóc hay không. Một số thay đổi này chỉ là tạm thời khi bé thích nghi với việc ra khỏi bụng mẹ, trong khi nếu là một vết bớt, nó sẽ tồn tại vĩnh viễn. Vậy đến khi nào mẹ mới có thể biết được màu da thật của trẻ sơ sinh?

Bao lâu mới biết được màu da thật của trẻ sơ sinh?

Lần đầu tiên bế bé cưng trong vòng tay, chắc hẳn nhiều bà mẹ phải giật mình vì làn da nhăn nheo và đỏ hỏn của trẻ. Không những vậy, khắp mặt và người bé còn phủ một lớp màng mỏng. Tuy nhiên, đây chỉ là tình trạng tạm thời bởi làn da bé sẽ thường xuyên thay đổi dưới tác động của nhiều yếu tố. Chính vì vậy, từ khi mới ra đời, màu da thật của trẻ sơ sinh là điều mà nhiều cha mẹ vô cùng thắc mắc. 

Để biết được màu da thật của trẻ sơ sinh, cha mẹ cần phải kiên nhẫn bởi điều này ở mỗi bé là khác nhau. Có bé chỉ mất 1 tháng là biết da trắng hồng hay ngăm đen, trong khi có trường hợp phải mất đến 6 tháng mới biết được màu da cuối cùng.

Da của trẻ sơ sinh thay đổi như thế nào?

Ngoài việc tò mò về màu da thật của trẻ sơ sinh, việc da bé thường xuyên đổi màu cũng là điều mà các bậc cha mẹ cần quan tâm:

1. Trẻ sơ sinh khóc có thể khiến da tím tái

Làn da của một số bé sẽ chuyển sang màu xanh tái hoặc thậm chí tím khi khóc hay vặn mình và điều này là bình thường. Tuy nhiên, nếu da bé có màu hơi xanh mà không có dấu hiệu giảm bớt sau vài ngày thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về hô hấp hoặc tuần hoàn.

2. Da sẫm màu do sụt cân

Đừng sốc nếu bé cưng trông đen hơn những đứa trẻ khác ngay sau khi chào đời. Điều này là do cơ thể bé bị mất nước, dẫn đến sụt cân nên làn da trông có vẻ sạm đi. Tuy nhiên, theo thời gian, làn da của bé sẽ có sự thay đổi và bạn sẽ nhanh chóng nhận ra được màu da thật của trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, da trẻ sinh non cũng có thể sậm màu hơn, tuy nhiên sau khi tăng cân, màu da của bé sẽ sáng hơn một chút. Đây là lý do tại sao một số trẻ sinh non sẽ có sự thay đổi rất lớn chỉ trong vài tuần sau sinh.

3. Ngón chân có vân hồng do mạch máu

da trẻ sơ sinh

Da của trẻ sơ sinh thường có những đường vân màu hồng. Nguyên nhân là do các mạch máu đỏ lộ rõ qua làn da mỏng manh. Ngoài ra, làn da bé còn rất nhạy cảm với nhiệt độ. Điều đó có nghĩa là bé dễ bị nhiễm lạnh, vì vậy mẹ cần chú ý quấn bé khi ở phòng mát hoặc khi thời tiết trở lạnh trong những tháng làn da vẫn còn non nớt và màu da thật của trẻ sơ sinh vẫn chưa hiện rõ.

4. Bàn chân, bàn tay màu xanh

Sau khi chào đời, sự thay đổi màu da sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi môi trường sống cũng như sức khỏe của bé. Nếu bé có bàn tay hoặc bàn chân màu xanh, khi chạm vào lúc nào cũng thấy lạnh, trong khi những bộ phận khác da vẫn màu hồng thì điều này hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu ngoài bàn tay, bàn chân mà da trẻ còn có màu xanh ở những nơi khác thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn.

5. Chứng vàng da khiến da và mắt của bé có màu vàng

Theo thống kê, hơn một nửa sốtrẻ sơ sinh bị vàng da ở một mức độ nào đó trong tuần đầu tiên sau sinh và điều này sẽ tăng lên nếu trẻ sinh non. Nguyên nhân thường là do gan của trẻ chưa đủ trưởng thành để loại bỏ bilirubin trong máu – một sắc tố màu vàng của các chất thải ra khi hồng cầu bị phá hủy.

6. Vết bớt xanh Mông Cổ rất phổ biến

Vết bớt xanh Mông Cổ là những đốm màu xanh lam hoặc tím có thể xuất hiện trên lưng, mông hoặc vai của bé. Đa phần, các vết bớt xanh Mông Cổ này không có gì đáng lo ngại và thường sẽ biến mất khi trẻ được 2 tuổi. Tuy nhiên, một số ít trường hợp các vết bớt này xuất hiện trên màu da thật của trẻ sơ sinh.

Mẹ bầu nên ăn gì để con da trắng môi hồng?

Da trắng hay da đen đều tốt, chỉ cần bé có nước da khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu muốn màu da thật của trẻ sơ sinh trở nên hồng hào, rạng rỡ, mẹ có thể thử một số bí quyết sau của Hello Bacsi:

Cà chua

Một số thực phẩm sẽ có tác động lớn đến màu da thật của trẻ sơ sinh và một trong những thực phẩm tiêu biểu là cà chua bởi trong cà chua có một chất chống oxy hóa mạnh có tên là lycopene. Bà bầu ăn cà chua trong thai kỳ có thể giúp da chống lại các tia UV có hại và bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời, đồng thời giúp làn da của bé trở nên khỏe mạnh và rạng rỡ hơn.

Sữa và nhụy hoa nghệ tây

da trẻ sơ sinh

Ở một số nơi trên thế giới, người lớn tuổi sẽ khuyên bà bầu nên thêm nhụy hoa nghệ tây hoặc sữa vào chế độ ăn mỗi ngày để bé có một làn da trắng. Tuy nhiên, dù chỉ là một lời truyền miệng, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy điều này thật sự có ích nhưng bạn vẫn có thể thêm một lượng nhỏ nhụy hoa nghệ tây vào chế độ ăn để nhận được nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, bạn đừng nên lạm dụng quá nhiều và nên tránh sử dụng trong tam cá nguyệt thứ 3.

Theo Hellobacsi