Các nhà nghiên cứu phát hiện virus corona giống nCoV tới 91.5% ở dơi trong một khu bảo tồn tự nhiên cùng với kháng thể có khả năng vô hiệu hóa nCoV.

Mẫu vật dơi ở phòng thí nghiệm tại tỉnh Ratchaburi, Thái Lan vào ngày 12/9/2020. Ảnh: CFP.
Mẫu vật dơi ở phòng thí nghiệm tại tỉnh Ratchaburi, Thái Lan vào ngày 12/9/2020. Ảnh: CFP.

Nhóm nghiên cứu đứng đầu là giáo sư Wang Linfa ở Trường Y Duke thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) tiến hành nghiên cứu khảo sát ở Đông Nam Á với trọng tâm là các loài dơi và tê tê do hai loài vật này được phát hiện chứa virus liên quan tới nCoV trước đây. Họ nhận thấy một loài virus corona mang tên RacCS203 ở dơi móng ngựa trong hang động nhân tạo tại khu bảo tồn động vật hoang dã ở phía đông Thái Lan có hệ gene giống nCoV tới 91,5%. RacCS203 cũng có họ gần với RmYN02, virus corona ở dơi trong hang động tại tỉnh Vân Nam phía tây nam Trung Quốc (độ giống nhau lên tới 93,6%). Các virus ở dơi tại Thái Lan và Trung Quốc đóng vai trò như "bản sao hoàn hảo có thể tái tổ hợp với các virus khác và tiến hóa thành mầm bệnh mới", theo Wang.

Các nhà nghiên cứu lấy mẫu vật từ dơi trong khu bảo tồn động vật hoang dã ở phía đông Thái Lan. Họ tiến hành giải trình tự gene virus mới để tìm hiểu sự liên quan giữa RacCS203 và các chủng virus corona khác, bao gồm nCoV. Phát hiện mở rộng phạm vi tìm thấy virus liên quan nCoV lên 4.800 km, đồng thời cung cấp manh mối về nguồn gốc của Covid-19. Nhóm nghiên cứu cho biết dù số lượng mẫu vật còn hạn chế, họ tin chắc những chủng virus corona giống nCoV về mặt di truyền tồn tại rộng rãi ở dơi tại nhiều quốc gia và vùng miền trên khắp châu Á, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan, theo kết quả công bố hôm 9/2 trên tạp chí Nature Communications.

Wang và cộng sự cũng kiểm tra kháng thể ở dơi trong cùng đàn và tê tê buôn lậu bị tịch thu ở phía nam Thái Lan. Kháng thể của chúng có thể vô hiệu hóa nCoV. Nghịch lý sinh học này chỉ ra virus corona ở dơi không thể lây nhiễm trực tiếp sang người.

Nhóm tác giả nghiên cứu cho rằng virus corona chỉ tiến hóa khả năng lây nhiễm tế bào người sau khi truyền sang vật chủ trung gian như tê tê. Trong cơ thể vật chủ, chúng đột biến và thay đổi nhẹ hình dáng với protein hình gai để liên kết thụ thể ACE2. Nghiên cứu không chỉ rõ nguồn gốc và vật chủ trung gian của nCoV, nhưng giúp mở rộng phạm vi phân bố địa lý của các virus corona liên quan.

"Do sự đa dạng của các loài dơi và mật độ dân số, Đông Nam Á nhiều khả năng trở thành điểm nóng của những virus như nCoV. Theo dõi xuyên biên giới là biện pháp vô cùng cần thiết để tìm vật chủ trung gian truyền nCoV", các nhà nghiên cứu cho biết.

An Khang (Theo BBC)

Theo Vnepress