Ngân hàng trung ương Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy vị thế của đồng nhân dân tệ trên trường quốc tế.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang tập trung chống chọi thiệt hại gây ra bởi Covid-19, khiến cho nhiều nền kinh tế rơi vào giai đoạn khó khăn nhất tính từ cuộc đại suy thoái xảy ra vào những năm 30 của thế kỷ trước. Giới lập chính sách ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia cũng đang trong quá trình chuẩn bị để có thể “đối phó” tốt nhất với vấn đề - vốn được dự đoán sẽ trở thành một trong những thách thức tài chính “khó nhằn” nhất trong vòng một thập kỷ tới - tiền kỹ thuật số.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) - ngân hàng trung ương của quốc gia đông dân nhất thế giới - khởi động quá trình nghiên cứu tiền kỹ thuật số từ năm 2014, đang là đơn vị đi đầu trên lĩnh vực vẫn còn tương đối mới này, và Trung Quốc, rất có thể sẽ thành nền kinh tế lớn đầu tiên cho ra mắt đồng tiền số riêng.

Vị trí số một trong các quốc gia trên thế giới đã thuộc về Bahamas khi ngân hàng trung ương quốc gia này giới thiệu đồng Sand Dollars vào tháng 10. PBOC đã hoàn tất quá trình xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cho Hệ thống Thanh toán điện tử tiền kỹ thuật số (DCEP) và đang trong quá trình thử nghiệm tại một loạt các thành phố tại Trung Quốc, trong đó bao gồm Thâm Quyến, và Tô Châu. Tuy nhiên, ngày ra mắt chính thức của đồng tiền mới này vẫn chưa được ấn định.

Bản dự thảo luật ngân hàng Trung ương công bố hôm 23/10 bao gồm những điều khoản cung cấp khung pháp lý cho DCEP, qua đó cân bằng giá trị pháp lý của loại hình tiền tệ mới này tương đương với đồng nhân dân tệ hiện tại. Và bản kế hoạch dài hạn của Trung Quốc cho nền kinh tế với tầm nhìn tới năm 2035, được công bố sau phiên họp toàn thể thứ 5 của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra cuối tháng 10, có đề cập tới việc “từng bước nghiên cứu và phát triển loại hình tiền tệ kỹ thuật số tiên tiến”.

Với quá trình chuẩn bị tích cực để ra mắt DCEP, Trung Quốc thông qua đó muốn đảm bảo rằng quốc gia này có một “chỗ ngồi” trên “bàn tròn” tiền tệ kỹ thuật số thế giới. Chỉ trong vòng vài tháng qua, Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều lần nhấn mạnh việc Trung Quốc cần tích cực tham gia vào quá trình xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế và nguyên tắc nhằm đối phó với các rủi ro toàn cầu liên quan đến loại hình tiền kỹ thuật số, với mục tiêu đảm bảo sức cạnh tranh của quốc gia này.

“Chúng ta nên… chủ động tham gia vào quá trình hình thành nên các nguyên tắc quốc tế trong lĩnh vực tiền và thuế kỹ thuật số nhằm tạo ra những lợi thế cạnh tranh”, ông Tập cho biết.

Trong bài phát biểu tại hội nghị các nhà lãnh đạo G20 vào hôm 21/11, ông Tập kêu gọi tổ chức này “cần thảo luận và phát triển các tiêu chuẩn cũng như quy tắc đối với Đồng tiền kỹ thuật số phát hành bởi các ngân hàng trung ương (CBDC) với thái độ cởi mở và mang tính xây dựng, bên cạnh đó là việc đối phó hiệu quả với nhiều rủi ro cũng như thách thức, trong khi thúc đẩy các quốc gia phải chung tay vì sự phát triển của hệ thống tiền tệ quốc tế”.

Trung Quốc đã bỏ xa phần còn lại của thế giới khi tiếp cận với loại hình tiền tệ kỹ thuật số từ khá sớm. Nhiều người không ngạc nhiên với cách chính phủ và các công ty nội địa Trung Quốc - như gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba và công ty con chuyên về lĩnh vực công nghệ tài chính Ant Group - sử dụng công nghệ kỹ thuật số để “hóa phép” lĩnh vực ngân hàng và kiến trúc tài chính đang thụt lùi của Trung Quốc trở thành một hệ thống trực tuyến tối tân, thân thiện với người dùng giữa kỷ nguyên phát triển của internet.

Một khảo sát được thực hiện bởi Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cuối năm 2019 với sự tham gia của 66 ngân hàng trung ương các nền kinh tế lớn trên thế giới cho thấy có tới 80% các ngân hàng trả lời họ đang tham gia vào các hoạt động xây dựng CBDC, tăng 10% so với con số 70% một năm trước.

Trong số 80% đó, 10% các ngân hàng đã chạm tới ngưỡng phát triển các dự án thử nghiệm và tất cả đều là các nền kinh tế mới nổi. Khoảng 40% các ngân hàng đang xây dựng CBDC đã kết thúc quá trình nghiên cứu mô hình để chuyển sang bước thử nghiệm, cho tiến hành một loạt các nghiên cứu đánh giá tiền khả thi về mức độ ứng dụng thực tế tiềm năng của sản phẩm tiền kỹ thuật số.

Những thay đổi được nhen nhóm bởi sự bùng nổ của một loạt loại tiền ảo, như Bitcoin, và bởi thông báo của Facebook vào tháng 6/2019 rằng công ty này đang thực hiện một dự án nhằm cho ra mắt một loại hình tiền tệ kỹ thuật số toàn cầu ứng dụng công nghệ blockchain - Libra.

Cho dù kế hoạch của ông lớn mạng xã hội này sau đó không còn quá được quan tâm, nhưng đã khiến cho nhiều quan chức Mỹ cũng như quốc tế phải suy nghĩ nhiều hơn về tương lai của lĩnh vực tài chính - về cách mà đồng tiền được sử dụng và luân chuyển, về cách thức quản lý và kiểm soát các rủi ro liên quan tới đồng tiền kỹ thuật số, trong đó bao gồm stablecoin và nhiều hệ thống thanh toán trực tuyến.

Nghiên cứu sâu vào lĩnh vực tiền kỹ thuật số cũng tính đến những tác động từ dịch bệnh Covid-19, khi mọi người có xu hướng sử dụng các phương thức thanh toán trực tuyến nhiều hơn và qua đó cũng làm dấy lên những lo ngại rằng hàng trăm triệu người tiêu dùng, đặc biệt là người cao tuổi và những người chưa bao giờ tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng, sẽ bị “gặt ” ra khỏi hệ thống tài chính mới”.

Tỷ lệ các khoản thanh toán không tiếp xúc thông qua hình thức thẻ thanh toán toàn cầu tăng hơn 33% trong tháng 3 khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, cao hơn nhiều so với con số 27% ghi nhận vào khoảng thời gian 6 tháng trước đó, theo thông tin từ BIS.

Năm 2020 chính là mốc thời gian phân định “trong thái độ của nhiều ngân hàng trung ương trên toàn thế giới về CBDC”, Benoit Coeure, thành viên hội đồng quản lý của BIS, trả lời phỏng vấn Caixin hồi tháng 10.

Trong khi Libra là động lực thúc đẩy các ngân hàng trung ương quan tâm nhiều hơn đến CBDC, sự sáng tạo công nghệ lại chính là yếu tố căn bản giúp lèo lái thay đổi đó, ông phát biểu vào tháng 6.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản, trong báo cáo công bố hồi tháng 10 với tên gọi: “Cách tiếp cận của ngân hàng trung ương Nhật Bản đối với tiền tệ kỹ thuật số”, cho biết cơ quan này sẽ bắt đầu thử nghiệm những tính năng cơ bản của CBDC như một hệ thống thanh toán vào năm 2021. Cũng trong tháng đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phát hành báo cáo về khả năng phát hành đồng euro điện tử, và cho biết sẽ quyết định khả năng tiến hành một dự án tiền kỹ thuật số vào giữa năm sau.

Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại tỏ ra thận trọng hơn. Khi BIS tiếp cận các ngân hàng trung ương về ý tưởng hình thành nhóm các chuyên gia nghiên cứu về tiền kỹ thuật số, Fed đầu tiên từ chối tham gia, theo thông tin một lãnh đạo cấp cao có liên hệ mật thiết với Fed. Nhưng sau khi nhóm này được chính thức thành lập vào tháng 1, Fed thay đổi quyết định và tham gia cùng với 6 ngân hàng trung ương khác, trong đó bao gồm ngân hàng trung ương Anh và ECB.

Fed đã xuất hiện trong báo cáo đầu tiên của nhóm công bố trong tháng 10, bàn luận về những nguyên tắc chung và các tính năng chính mà một CBDC và hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nó nên có. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết việc Mỹ gia nhập nhóm nghiên cứu này “muộn nhưng đúng đắn, còn hơn sớm nhưng sai lầm”.

Tham vọng dẫn đầu thế giới của tiền điện tử Trung Quốc - Ảnh 1.
Facebook vào tháng 6/2019 thông báo công ty này đang thực hiện một dự án nhằm cho ra mắt một loại hình tiền tệ kỹ thuật số toàn cầu ứng dụng công nghệ blockchain. Ảnh: Reuters.

Trong năm qua, các quan chức PBOC nỗ lực để xóa bỏ sự mập mờ cũng nhiều như hiểu lầm về DCEP, về khả năng thích ứng của loại hình tiền tệ mới này đối với hệ thống và chính sách tiền tệ hiện tại, về cách nó thay đổi vai trò của những hệ thống thanh toán phát triển bởi bên thứ 3 như Alipay và WeChat Pay, và về sự khác biệt trong cách tiếp cận của Trung Quốc với tiền kỹ thuật số so với các quốc gia khác.

Nhưng nỗ lực đó diễn ra đồng thời với quá trình thử nghiệm tiền kỹ thuật số trong lĩnh vực bán lẻ tại 3 thành phố: Thâm Quyến, Tô Châu và Thành Đô, và khu đô thị mới Hùng An, khu vực động lực phát triển cho tam giác kinh tế Bắc Kinh - Thiên Tân- Hồ Bắc.

Mu Changchun, viện trưởng viện nghiên cứu tiền kỹ thuật số PBOC, và Fan Yifei, phó thống đốc PBOC - những người đi tiên phong trong việc thực hiện hóa những nỗ lực đó, đã phát biểu và có nhiều bài viết nhằm giải thích về cơ sở pháp lý của hình thức tiền tệ kỹ thuật số. Thông điệp của họ đó là việc phát hành một đồng tiền số của riêng Trung Quốc sẽ giúp duy trì sự kiểm soát của PBOC trên lĩnh vực tài chính và hệ thống tiền tệ; trung hòa các rủi ro tới từ Libra và các loại hình tiền số khác; tạo ra một phương án thay thế cho hệ thống cơ sở thanh toán trực tuyến hiện tại; thúc đẩy việc lồng ghép các dịch vụ tài chính bằng cách cải tiến việc thanh toán điện tử trở nên dễ dàng hơn đối với những người chưa có tài khoản ngân hàng, và chống lại nạn rửa tiền, tham nhũng và tấn công khủng bố tài chính.

Mu nhấn mạnh nhiều lần rằng DCEP là sự thay thế hoàn hảo cho tiền mặt, và sẽ được quản lý tập trung bởi PBOC. Công nghệ đằng sau loại tiền này sẽ giúp người dùng có thể gửi và nhận tiền chỉ bằng việc chạm nhẹ vào điện thoại của nhau ngay cả khi các thiết bị đó không được kết nối internet, một tính năng mà Mu coi là lợi thế vượt trội so với Alipay và WeChat Pay.

Trung Quốc tập trung phát triển DCEP để phục vụ chủ yếu cho nhu cầu của người tiêu dùng trong nước trên lĩnh vực bán lẻ, hơn là được sử dụng cho các khoản thanh toán giữa các định chế tài chính và hình thức thanh toán xuyên biên giới, với mục tiêu biến nó trở thành loại hình tiền tệ hiệu quả và minh bạch hơn, bên cạnh đó là sự dễ dàng trong khâu quản lý. Lý do một phần là Trung Quốc sở hữu một thị trường không chính thống khổng lồ lưu hành tiền mặt, và việc phá được quy luật đó sẽ giúp chính phủ kiểm soát tham những, những dòng tiền trái pháp luật, trốn thuế và nhiều vấn đề nhức nhối khác.

Nhưng trong dài hạn, khi mà hệ thống tài chính của Trung Quốc đã phát triển hơn, DCEP sẽ phát huy tác dụng trong quá trình quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ, Mu chia sẻ trong một bài phát biểu trong năm 2019.

Đó chính là lý do quan trọng Trung Quốc đang rất nỗ lực trong quá trình hoàn thiện các tiêu chuẩn toàn cầu cho đồng tiền kỹ thuật số và kêu gọi sự thống nhất giữa các cơ quan quản lý tài chính quốc tế trong việc quản lý loại hình tiền tệ này. PBOC rất tích cực tham gia vào quá trình xây dựng các tiêu chuẩn chung. Một ấn phẩm phát hành bởi viện nghiên cứu tiền kỹ thuật số của PBOC vào năm 2019 nhấn mạnh rằng Trung Quốc là quốc gia đầu tiên bổ sung các nội dung liên quan tới tiền số vào quy chuẩn ISO 20022, một tiêu chuẩn toàn cầu mới bao trùm các thông tin tài chính được luân chuyển giữa các định chế tài chính trong đó bao gồm các giao dịch thanh toán, thương mại chứng khoán và thông tin thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ.

Các tác giả của ấn phẩm cho biết nỗ lực của Trung Quốc nhằm lấp đầy những khoảng trống đó không chỉ mở rộng phạm vi áp dụng của tiêu chuẩn ISO 20022, mà còn giúp thúc đẩy quá trình quốc tế hóa các tiêu chuẩn tiền kỹ thuật số của Trung Quốc và nâng tầm sức ảnh hưởng của Trung Quốc trên lĩnh vực tiền số toàn cầu.

Một nguồn tin thân tín với BIS chia sẻ với Caixin rằng sự phối hợp rộng hơn giữa các ngân hàng Trung ương trên lĩnh vực này là điều hết sức quan trọng, để trong tương lai, các đồng tiền số phát hành bởi các ngân hàng trung ương có thể được luân chuyển dễ dàng giữa các quốc gia.

“Đó cũng giống như việc xây dựng một tiêu chuẩn công nghệ giao tiếp hợp nhất. Cho dù dùng các sản phẩm điện thoại khác nhau đến từ các hãng như Samsung, Huawei hay Apple, bạn vẫn có thể trò chuyện với nhau”.

Theo CafeBiz