Gần đến ngày dự sinh, chắc hẳn bạn đã “lên dây cót” tinh thần để sẵn sàng đón bé cưng bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu chuyển dạ sớm, bạn cũng đừng quá hoảng loạn, hãy bình tĩnh và cố gắng giữ cho bản thân thoải mái nhất có thể.

Thực tế, ngày dự sinh chỉ là ngày dự đoán, sẽ có sai số. Nó không hoàn toàn chính xác đối với mỗi thai phụ hoặc với một số mẹ sinh nhanh, nguy cơ chuyển dạ và sinh sớm vẫn có thể xảy ra. Do đó, hãy chuẩn bị những kiến thức cần thiết để đối phó nếu chẳng may các dấu hiệu chuyển dạ sớm xuất hiện nhé!

Theo nghiên cứu, những phụ nữ có nguy cơ chuyển dạ sớm hơn dự kiến là những phụ nữ có điều kiện kinh tế xã hội thấp, thường sống ở nông thôn hoặc ở những vùng có tỷ lệ sinh đẻ tại nhà cao. Các trường hợp có dấu hiệu chuyển dạ sinh sớm, không kịp đến cơ sở y tế sinh con thường rất nguy hiểm và có thể để lại biến chứng về sau cho cả mẹ và bé. 

5 dấu hiệu chuyển dạ sớm mẹ bầu cần lưu ý

Trước ngày chuyển dạ khoảng 1 tuần, bạn sẽ cảm thấy cơ thể hơi khác. Thông thường, những dấu hiệu báo hiện tượng chuyển dạ sớm ở mỗi mẹ bầu là khác nhau và không theo bất cứ quy luật nào. Dưới đây là 5 dấu hiệu phổ biến nhất:

  1. Sa bụng bầu (bụng bầu tụt xuống thấp): Dấu hiệu thai nhi đã di chuyển thấp xuống gần với khung xương chậu của mẹ, thường xảy ra từ 2 – 4 tuần trước sinh. Đi kèm với triệu chứng này là tình trạng đi tiểu nhiều và mẹ có thể thấy dễ chịu hơn, dễ thở hơn do thai nhi không còn gây áp lực lên cơ hoành. Đây là dấu hiệu cho biết hiện tượng chuyển dạ đang diễn ra. 
  2. Dịch nhầy cổ tử cung: Chất nhầy có màu hồng hoặc nâu, tiết ra nhiều và thường xuyên, có thể xuất hiện trước ngày chuyển dạ 1 đến 2 tuần hoặc thậm chí chỉ khoảng vài giờ. Đây là dấu hiệu chuyển dạ sớm này cho thấy cổ tử cung đã sẵn sàng cho cuộc sinh. 
  3. Vỡ ối: Trong một số trường hợp, túi ối sẽ vỡ trước khi chuyển dạ và đây cũng là dấu hiệu rõ nét nhất cho thấy bạn sắp sinh. Khi túi ối vỡ, bạn sẽ cảm thấy như có một dòng nước ấm trong, có mùi hôi mốc, chảy xuống chân.
  4. Cơn co thắt mạnh, tăng dần về cả về cường độ, tần suất và thời gian là dấu hiệu cho biết hiện tượng chuyển dạ sắp diễn ra. Những cơn co thắt này sẽ khiến bạn cực kỳ khó chịu ở vùng thắt lưng hoặc bụng. Thông thường, các cơn co thắt sẽ tăng tần suất từ 1 phút rưỡi đến 3 phút và mỗi lần kéo dài từ 60 – 90 giây.

Mẹ bầu cần làm gì khi có dấu hiệu chuyển dạ sớm?

gọi cấp cứu khi có dấu hiệu chuyển dạ sớm

Mẹ cần để ý, cẩn trọng, khi có dấu hiệu chuyển dạ sớm, có người phải mất từ 5 đến 14 giờ mới có thể sinh, thế nhưng cũng có người sẽ sinh ngay sau đó. Do đó, khi nhận thấy hiện tượng chuyển dạ diễn ra, mẹ bầu bình tĩnh và thực hiện theo 5 bước sau:

1. Đánh giá tình huống

Bạn cần đánh giá tình trạng bản thân để xác định xem mình có đủ thời gian đến cơ sở y tế để sinh con hay không. Mỗi phụ nữ sẽ trải quá trình chuyển dạ khác nhau nhưng nếu bạn đang có những cơn co thắt mạnh, kéo dài, xảy ra cách nhau ít hơn 5 phút hoặc nếu nước ối bị vỡ và có cảm giác muốn rặn đẻ thì đó có thể là những dấu hiệu cho thấy bạn sắp sinh. 

2. Nhờ giúp đỡ

Điều này nghe có vẻ hiển nhiên nhưng bạn cần biết ai có thể giúp được bạn trong tình huống này. Bạn sẽ cần một người gọi giúp gọi vào số điện thoại cấp cứu y tế 115 ngay lập tức, lắng nghe nhân viên trực tổng đài hướng dẫn và hỗ trợ bạn sinh cho đến khi xe cấp cứu đến. 

3. Bình tĩnh và bình tĩnh

Nếu các dấu hiệu chuyển dạ sớm đã diễn ra và bạn không kịp đến bệnh viện, hãy cố gắng hết sức để giữ bình tĩnh và hãy nhớ rằng cơ thể bạn biết cách làm điều này! Nếu đây là lần đầu tiên bạn sinh, đừng quá lo bởi nếu trẻ sắp chào đời có nghĩa là bé đã ở vị trí lý tưởng để sẵn sàng di chuyển qua kênh sinh của mẹ. 

4. Làm cho bản thân thoải mái nhất có thể

Trong trường hợp này, để có thể chuẩn bị sinh con tốt nhất, mẹ bầu hãy hạ thấp người và lót một chiếc khăn mềm hoặc mền bên dưới để em bé tiếp đất nhẹ nhàng. Nếu bạn ở một mình, hãy nằm ngửa, hai chân dang rộng để bé thuận lợi ra ngoài. Mẹ nên dùng sức để rặn bé ra hoàn toàn. Khi bé ra ngoài nên lấy khăn ủ ấm cho bé, đồng thời lau hết nhớt ở miệng bé.

5. Không tự ý cắt dây rốn khi bé chào đời

Ngay sau bé chào đời, hãy đặt bé nằm lên ngực của bạn (da kề da) và lau khô bằng khăn mềm, sạch. Sự tiếp xúc da chạm da này sẽ giúp giữ ấm cho bé. Đa phần, trẻ sẽ tự hô hấp mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào và chỉ 1% cần sự hỗ trợ.

Đừng tự ý cắt dây rốn bởi nếu không có kinh nghiệm hoặc không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế, việc tự ý cắt dây rốn cho trẻ có thể làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng. Bạn có thể cột dây rốn của bé bằng chỉ hoặc sợi vải xé để thắt đường dẫn máu giữa bé và mẹ. Điều này giúp cho bé tránh được tình trạng mất máu khi mẹ tiếp tục sổ nhau thai. Trong suốt quá trình này, hãy cố gắng giữ bình tĩnh và duy trì tiếp xúc da kề da với bé cho đến khi nhận được sự hỗ trợ từ nhân viên y tế. 

Nếu có dấu hiệu chuyển dạ sớm thì điều quan trọng là bạn không nên quá lo lắng về những nguy cơ có thể xảy ra vì những khả năng này là rất nhỏ. Chắc chắn sau một cuộc sinh nở đầy “sóng gió”, bạn sẽ có một câu chuyện sinh con đầy thú vị! 

Tuy nhiên, những điều nói trên đây không có nghĩa là hellobacsi khuyến khích các bạn tự sinh tại nhà. Tốt nhất vẫn là sinh con tại cơ sở y tế vì chúng ta không thể lường trước được những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Đừng nghĩ rằng sinh tại bệnh viện là không “tự nhiên”, bạn vẫn có thể rặn đẻ “tự nhiên” không cần can thiệp, chỉ khác là có đội ngũ y tế cạnh bên sẵn sàng hỗ trợ khi cần.

Lời khuyên thêm dành cho các mẹ bầu, nếu nhà xa thì bạn nên thu xếp ở gần bệnh viện hoặc cơ sở y tế vào khoảng 2-3 tuần sắp sinh, đặc biệt là nếu bạn mang song/đa thai, tiền căn hở eo tử cung, chuyển dạ sinh nhanh trong lần mang thai trước và một số chỉ định khác.

Theo Hellobacsi