Nó có vẻ ngoài xù xì và thô kệch nhưng bên trong lại sạch sẽ hiện đại như một con tàu vũ trụ.

Ấn Độ gặp vấn đề với nhà vệ sinh. Họ không có đủ chúng.

Điều đó có nghĩa là hàng trăm triệu người dân nước này phải đi đại tiện bên ngoài, khiến tăng nguy cơ lây lan các bệnh như dịch tả, thương hàn và cả Covid-19. Điều kiện vệ sinh kém ở Ấn Độ đã dẫn đến hơn 126.000 ca tử vong hàng năm vì các bệnh tiêu chảy.

Khoảng 344 triệu người ở Ấn Độ không được sử dụng nhà vệ sinh thường xuyên - tức là cứ bốn người Ấn Độ thì có một người đi vệ sinh lung tung.

Thủ tướng Narendra Modi đã tìm cách giải quyết vấn đề tồn tại này thông qua chương trình mang tên Swachh Bharat, hay Clean India, bắt đầu vào năm 2014 với nỗ lực ngăn chặn tình trạng phóng uế bừa bãi thông qua việc thúc đẩy việc xây dựng hàng triệu nhà vệ sinh. Chương trình đã có được thành quả đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Mà nổi bật trong số đó là tình trạng xuống cấp, hư hại nhanh chóng của những căn nhà vệ sinh công cộng này.

Dù được làm bằng bê tông, sứ và kim loại, tất cả chúng đều xuống cấp nhanh chóng, rơi vỡ và rỉ sét. Chỉ sau một năm đưa vào sử dụng, hầu hết các nhà vệ sinh đều dính đầy chất thải, bị bóc tách từng phần, bị tắc hoặc một số kết hợp cả ba vấn đề trên. Điều đó khiến cho các khoản đầu tư đi vào ngõ cụt và người dân lại phải ra ngoài giải quyết "nỗi buồn" của mình.

Phụ nữ và trẻ em gái buộc phải thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày của họ xung quanh việc thiếu nhà vệ sinh này. Phụ nữ thức dậy trước khi mặt trời mọc để đi vệ sinh nhằm tránh những ánh mắt tò mò, quấy rối hoặc nguy cơ bị cưỡng hiếp. Khi không có nhà vệ sinh chức năng hoặc băng vệ sinh ở trường học, các nữ sinh sẽ phải về nhà trong ngày hoặc bỏ học hoàn toàn trong kỳ kinh.

Đây là căn nhà vệ sinh không thể phá hủy - Chiếc chìa khóa cứu Ấn Độ khỏi tình trạng đại tiện lung tung - Ảnh 1.
Bốn cậu bé đi ngang qua một trong những nhà vệ sinh cộng đồng mục nát ở khu ổ chuột ở Faridabad, Ấn Độ.

Nhưng một niềm hi vọng mới đã tới, như ánh sáng cuối đường hầm. Midha, một cựu kỹ sư phần mềm 37 tuổi, đã dành 5 năm qua để phát triển thứ mà anh hy vọng sẽ là một nhà vệ sinh công cộng tốt hơn.

Thông qua công ty khởi nghiệp công nghệ của mình, anh đã tạo ra những nhà vệ sinh có cùng kích thước với những căn nhà vệ sinh cũ kỹ, nhưng được làm bằng thép để chống phá hoại, dễ dàng lau chùi hơn và có thể chịu được việc sử dụng nhiều mà không bị xuống cấp. Thậm chí, các mô hình phức tạp của nó còn bao gồm các cảm biến thời gian thực để theo dõi hoạt động rửa tay, sử dụng nước và xả bồn cầu. Dữ liệu đó sẽ cung cấp cho các quan chức y tế địa phương thông tin vệ sinh có giá trị và đảm bảo các cơ sở có thể hoạt động ổn định.

Công ty của Midha nằm cách không xa khu ổ chuột, chỉ sử dụng 29 công nhân, tên là Garv (hay "nhân phẩm" trong tiếng Hindi). Quy mô của nó khá nhỏ khi so với một quốc gia 1,3 tỷ dân, nhưng tháng trước đã kỷ niệm lần lắp đặt thứ 1.000 sản phẩm của mình. Các nhà vệ sinh này chủ yếu nằm tại các khu vực cộng đồng, trường học và bên ngoài các tòa nhà chính phủ, với khoảng 200.000 người sử dụng chúng hàng ngày, trong đó có 60.000 trẻ em đang đi học.

Đây là căn nhà vệ sinh không thể phá hủy - Chiếc chìa khóa cứu Ấn Độ khỏi tình trạng đại tiện lung tung - Ảnh 2.
Một trong những phòng vệ sinh tự động bằng thép không gỉ - Garv Toilets - tại trung tâm hội nghị Pragati Maidan ở New Delhi, Ấn Độ.

Để đảm bảo có thể "sinh tồn" ở Ấn Độ, những căn nhà vệ sinh của Garv có vẻ ngoài không bắt mắt và làm bằng bê tông trần. Nhưng bên trong, nó như một "con tàu vũ trụ".

Các bức tường của nó bằng thép không gỉ sáng bóng, với các phụ kiện bằng kim loại từ bồn cầu, bồn tiểu, bồn rửa tới vòi nước. Những cánh cửa bên ngoài cũng bằng kim loại, trông giống như két sắt trong một căn hầm ở ngân hàng. Những dải cỏ giả xanh mướt dọc theo bức tường phá vỡ sự nhàm chán, tạo nên tính thẩm mỹ riêng cho nó.

Một số tính năng phổ biến trong nhà vệ sinh này là bồn cầu tự động và vòi rửa tự động. Tuy nhiên, nó thậm chí cao cấp hơn cả những nhà vệ sinh công cộng ở Mỹ, khi gắn thẻ SIM và cảm biến để cung cấp dữ liệu thời gian thực về nhu cầu sử dụng nước, xả nước và bảo trì vào hệ thống điều khiển của Garv.

“Bạn có thể nhận được rất nhiều dữ liệu. Ví dụ, biết có bao nhiêu người sử dụng nhà vệ sinh, bao nhiêu lần xả nước, bao nhiêu người thực sự rửa tay và nếu có bất kỳ sự cố nào, chẳng hạn như bồn cầu bị tắc hay hết nước", Neha Goel, giám đốc dự án cấp cao tại Garv, chia sẻ.

Đây là căn nhà vệ sinh không thể phá hủy - Chiếc chìa khóa cứu Ấn Độ khỏi tình trạng đại tiện lung tung - Ảnh 3.
Một số tính năng được tích hợp trong nhà vệ sinh thông minh của Garv: cửa thép, điện mặt trời, xử lý chất thải, chế độ tự động rửa...

Tất nhiên, trong giai đoạn đầu thi công, một số nhà vệ sinh vẫn gặp lỗi như đèn tự động tắt quá nhanh trong một phòng dành cho người khuyết tật, việc lau sàn tự động đôi khi bị tràn và bồn tiểu tự động xả cũng không thể kích hoạt. Nhưng Garv có thể sửa chữa và cải thiện nhà vệ sinh của mình một cách nhanh chóng.

Một vấn đề khác cần giải quyết là chi phí. Những tính năng đặc biệt nói trên không hề rẻ. Một chiếc bồn cầu với vỏ kim loại có thể có giá từ 2.400 đến 4.900 USD, cao hơn khoảng 25% so với các mẫu truyền thống. Tuy nhiên, Midha cho biết việc có chi phí bảo trì thấp sẽ bù đắp lại các khoản trả trước lớn đó.

Nhà vệ sinh của Garv sẽ được tùy chỉnh để bao gồm các tính năng khác nhau. Các mô hình rẻ hơn được lắp đặt bằng thép đơn giản hơn, không có các cảm biến được tích hợp sẵn. Một số bao gồm các tấm pin mặt trời để chiếu sáng và những mô hình không thể kết nối với hệ thống nước thải hiện có sẽ sử dụng thiết bị khử mùi sinh học để chuyển chất thải thành phân bón.

Nhưng tất cả công nghệ này vẫn yêu cầu bảo trì để giữ cho nhà vệ sinh sạch sẽ và hoạt động. Midha đã làm việc để có được hợp đồng bảo trì cho các nhà vệ sinh mà anh ấy đã xây dựng để ngăn tình trạng xuống cấp xảy ra. Trong số 1.000 công trình đã lắp đặt của mình, anh cho biết khoảng 680 nhà vệ sinh được chính phủ hoặc các nhà thầu bảo trì thường xuyên, còn 422 trong số đó có hệ thống giám sát thời gian thực.

Đây là căn nhà vệ sinh không thể phá hủy - Chiếc chìa khóa cứu Ấn Độ khỏi tình trạng đại tiện lung tung - Ảnh 4.
Mayank Midha, người sáng lập và CEO của Garv Toilets.

Nhưng công ty này cũng không phải là một tổ chức từ thiện. Midha không né tránh những sự thật này, nói rằng nó đang giúp công việc kinh doanh của mình phát triển, đồng thời nói thêm rằng nó được tạo ra vì lợi nhuận để trở nên bền vững và không phụ thuộc vào các khoản tài trợ.

Việc tạo ra một cấu trúc thép rất dễ dàng bị các đối thủ cạnh tranh sao chép, vì vậy, Midha đã thêm cảm biến chuyển động và cảm biến dòng nước trong thời gian thực cùng các tính năng công nghệ khác để tạo sự khác biệt cho sản phẩm của mình. Anh đã phát triển một nguyên mẫu vào năm 2015 và bắt đầu đưa nó ra công chúng.

Hai năm rưỡi đầu tiên vô cùng khó khăn. Các quan chức chính phủ, từng chấp thuận các nhà vệ sinh bằng bê tông và gạch, đã không thích ý tưởng rằng kết cấu thép của Midha là một cái nhà vệ sinh.

"Mọi người hỏi chúng tôi rằng đó là một bốt điện thoại hay một cái gì đó không", Midha nói.

Đây là căn nhà vệ sinh không thể phá hủy - Chiếc chìa khóa cứu Ấn Độ khỏi tình trạng đại tiện lung tung - Ảnh 5.
Bên ngoài một dãy nhà vệ sinh của Garv ở một thị trấn nông thôn Ấn Độ.

Sau khi nợ nần chồng chất, Midha cuối cùng đã giành được hợp đồng đáng chú ý đầu tiên vào năm 2017. Tổ chức phi lợi nhuận Aga Khan đã đề nghị anh xây nhà vệ sinh tại các trường tiểu học và trung học cơ sở của chính phủ ở Bihar, một trong những bang nghèo nhất ở Ấn Độ. Các trường trung học cơ sở này dạy khoảng 400 học sinh và không có nhà vệ sinh chức năng. Công ty anh đã xây dựng 4 nhà vệ sinh ở mỗi trường, vẫn đang hoạt động cho đến ngày nay.

Luôn là người mày mò, Midha đã phát triển các tính năng mới để giải quyết cuộc khủng hoảng do coronavirus mang lại. Anh đã bổ sung hệ thống chiếu sáng bằng tia cực tím vào nhà vệ sinh để giúp khử trùng chúng giữa các lần sử dụng.

Tuy nhiên, đại dịch cũng làm chậm quá trình cài đặt sản phẩm mới của Garv. Midha đã phải cắt giảm lương và hoãn một số việc tuyển dụng trong thời kỳ suy thoái kinh tế do bùng phát đại dịch. Nhưng qua từng tháng, anh vẫn đẩy mạnh các dự án của mình.

“Thật khó để tưởng tượng rằng một trường công lập có 1.500 trẻ em, một trường trung học nữ sinh, lại không có bất kỳ nhà vệ sinh nào", anh nói. "Thật tốt khi nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt của các cô gái khi họ nhìn thấy các thiết bị vệ sinh tiện dụng trong trường học của họ. Là một phần của công việc kinh doanh, nhưng nếu đang tạo ra một số tác động xã hội, hay cải thiện cuộc sống theo một cách nào đó, thì nó cũng mang lại sự hài lòng đối với chính chúng tôi."

Theo CafeBiz