Sử dụng cảm biến trên nền tảng này để điều khiển thiết bị trên một nền tảng khác tưởng chừng là không khả thi nếu như 2 hãng đó không hỗ trợ nhau.

Như các bạn đã biết, trong lĩnh vực smarthome, mỗi hãng phát triển phần cứng đều cố gắng tạo ra 1 platform riêng biệt để các thiết bị của mỗi hãng chỉ sử dụng được trong nền tảng do hãng đó phát triển. Sự liên kết duy nhất giữa các hãng sản xuất thiết bị nhà thông minh này chỉ có các bên làm trợ lý ảo như Google, Alexa hay Apple.

Điều đáng buồn là các đơn vị làm trợ lý ảo này hỗ trợ tạo các kịch bản tự động (Automation) rất hạn chế, cá biệt như Google, chúng ta không thể tạo 1 kịch bản tự động nào sử dụng các cảm biến đã có trong nhà, do đó việc liên kết automation giữa 2 hãng thiết bị riêng biệt (dùng cảm biến hãng này điều khiển tự động thiết bị hãng khác) là không thể.

Tuy nhiên, thay vì chỉ "há miệng chờ sung", chúng ta vẫn có những cách rất độc đáo để "bắt buộc" hai hãng khác nhau phải hỗ trợ thiết bị của nhau, mà yêu cầu đơn giản là cần có 2 cái loa thông minh giá rẻ như Google Home Mini.

Dùng 2 chiếc Google Home Mini làm bà mối, tôi đã bắt 2 hãng smarthome không ưa nhau phải làm việc với nhau - Ảnh 1.
Gratiot (VN) và MiHome (China) là 2 nền tảng không liên kết nhưng có thể dùng thủ thuật này điều khiển thiết bị của nhau thông qua Google Assistant.

Thực Hiện

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi sử dụng 2 nền tảng là Gratiot của Việt Nam để điều khiển tự động cho chiếc đèn trần Xiaomi vốn sử dụng trên 2 app là Gratiot Mi Home vốn không liên quan tới nhau.

Để thực hiện được chúng ta cần sử dụng nền tảng hỗ trợ phát 1 câu thoại tùy ý lên loa Google Home Mini bằng giọng đọc của Google Dịch ví dụ như Gratiot mà tôi sử dụng hoặc Home Assistant rất phổ biến trong giới vọc vạch smarthome.

Bước 1: Đặt 2 loa Google Home mini đã liên kết với nền tảng hỗ trợ text to speech.

Bước 2: tạo Automation với điều kiện "If" là sự thay đổi của cảm biến nào đó, ví dụ ở đây tôi dùng thử với cảm biến mở cửa.

Tạo kịch bản đọc hội thoại trên ứng dụng Gratiot  

Bước 3: Setup nửa "Then" của Automation là câu lệnh để bảo google assistant bật đèn ở thiết bị không hỗ trợ (ở đây là đèn Xiaomi).

Sau khi kích hoạt kịch bản tự động bằng cách mở cửa, 1 chiếc loa sẽ đọc câu lệnh để cho chiếc loa còn lại thực thi. Tuy khá buồn cười nhưng nó vẫn hoạt động tốt.

Kết quả

Kết quả là khi chúng ta mở cửa sử dụng cảm biến Gratiot, 1 trong 2 loa Google Home Mini sẽ phát ra câu lệnh "Ok Google" để đánh thức loa còn lại và đọc câu thần chú "turn on Ceiling Light" thay cho tôi tự đọc.

Dùng 1 loa bắt loa kia làm việc một cách tự động.  

Vậy là xong, chúng ta đã tạo được kịch bản tự động giữa 2 nền tảng không hỗ trợ nhau thông qua Google Assistant. Tất nhiên việc bắc cầu này sẽ tạo ra độ trễ thực thi lớn (khoảng 5s) nên các bạn chỉ nên sử dụng trong các kịch bản không đề cao tốc độ phản hồi trong suốt quá trình thực hiện Automation.

Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi tới các bạn những cách làm thú vị với smarthome trong thời gian tới.

Theo CafeBiz