Các tập đoàn công nghệ có thể đối mặt mức phạt lên đến 10% doanh thu hằng năm nếu không tuân thủ các quy tắc mới của Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh làn sóng chống độc quyền lan rộng.

Liên minh châu Âu (EU) hôm 15-12 chính thức công bố hai dự luật nhằm ngăn các tập đoàn công nghệ như Google, Amazon và Facebook (đều của Mỹ) thao túng thị trường.

Facebook và Google liên tục bị "gọi tên"

Với hai dự luật gồm Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) và Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA), châu Âu vạch ra khung pháp lý buộc các gã công nghệ khổng lồ phải tuân thủ nếu muốn hoạt động tại 27 quốc gia thành viên EU. Theo hãng tin Reuters, hai dự luật yêu cầu các công ty phải chia sẻ một số loại dữ liệu nhất định với các đối thủ và cơ quan quản lý, đồng thời ngừng ưu tiên các dịch vụ riêng trên nền tảng của mình.

Những "người gác cổng internet" cũng được yêu cầu báo cáo các thương vụ mua bán và sáp nhập cho các cơ quan chức năng, nhằm ngăn chặn các vụ mua lại để đè bẹp đối thủ nhỏ hơn. Dù vậy, giới quan sát cho rằng sẽ mất nhiều tháng hoặc vài năm nữa để luật hóa hai dự luật nói trên.

Trong khi đó tại Mỹ, tờ Politico hôm 15-12 đưa tin một liên minh gồm bang California cùng 11 bang khác và Bộ Tư pháp Mỹ có thể nộp đơn kiện Google sớm nhất vào ngày 17-12 (giờ địa phương) với cáo buộc độc quyền và thao túng thị trường. Tổng chưởng lý bang California Xavier Becerra hôm 12-12 cho rằng sự thống trị của Google khiến người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ không có nhiều lựa chọn khi sử dụng các công cụ tìm kiếm trên internet.

Theo đài CNBC, ông Becerra cáo buộc bằng cách sử dụng các thỏa thuận để thống lĩnh thị trường, Google đã kìm hãm sự cạnh tranh và thao túng thị trường quảng cáo. Vụ kiện này sẽ mở đường cho sự đổi mới về công cụ tìm kiếm liên quan đến quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Hồi tháng 10, Bộ Tư pháp Mỹ cũng kiện Google trong một vụ kiện chống độc quyền được xem là lớn nhất trong nhiều thập kỷ gần đây. Theo tờ Politico, đơn kiện của các bang dự kiến được nộp lên cùng một tòa án liên bang ở Washington, nơi xử lý đơn kiện hồi tháng 10.

Chung "số phận" với Google, Facebook cũng đối mặt thách thức pháp lý nghiêm trọng tại Mỹ trong năm nay. Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và gần 50 bang hôm 9-12 đệ đơn kiện Facebook nhằm kiềm chế sự độc quyền của mạng xã hội có hơn 2 tỉ người dùng này.

 Phá thế độc quyền những gã khổng lồ  - Ảnh 1.
Trò chơi Fortnite trên App Store trước khi bị Apple xóa Ảnh: BLOOMBERG

Làn sóng chống độc quyền lan rộng

Anh dự kiến áp đặt cơ chế cạnh tranh mới vào năm 2021 nhằm ngăn Facebook và Google lấn át các công ty công nghệ nhỏ và gây bất lợi cho người tiêu dùng trên thị trường quảng cáo trực tuyến. Các quy định cạnh tranh mới sẽ do Đơn vị thị trường kỹ thuật số thuộc Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh (CMA) thực thi. Theo Reuters, CMA cho biết 2 tập đoàn Google và Facebook hiện chiếm khoảng 80% trong tổng số 14 tỉ bảng Anh (tương đương 18,7 tỉ USD) được chi cho quảng cáo kỹ thuật số tại Anh trong năm 2019.

Theo quy định mới, các công ty công nghệ sẽ phải minh bạch hơn về cách sử dụng dữ liệu của người dùng và không được phép cản trở khách hàng dùng các nền tảng đối thủ. Đơn vị thị trường kỹ thuật số nói trên dự kiến được thành lập vào tháng 4 năm sau, có thể được trao quyền đình chỉ, ngăn chặn và đảo ngược các quyết định do các công ty công nghệ đưa ra và áp dụng các hình phạt tài chính nếu họ không tuân thủ.

Theo hãng tin AP, các biện pháp nói trên là một phần trong nỗ lực lớn hơn của các chính phủ ở Mỹ và châu Âu nhằm hạn chế ảnh hưởng quá lớn của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia. Hồi tháng trước, cơ quan quản lý Thổ Nhĩ Kỳ phạt Google 25,5 triệu USD vì "lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường trong ngành quảng cáo". Trong tuyên bố được đưa ra hôm 13-11, Cơ quan Cạnh tranh Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Google cùng với công ty mẹ Alphabet đã gây khó khăn cho các công ty đối thủ trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến, đồng thời yêu cầu Google phải đưa ra các bước khắc phục trong 6 tháng tới cũng như nộp các báo cáo hằng năm trong ít nhất 5 năm. Google có 60 ngày để kháng cáo.

Không chỉ Google, Chủ tịch Cơ quan Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, ông Omer Fatih Sayan, cho biết các mạng xã hội Facebook, Instagram, Twitter, Periscope, YouTube (đều của Mỹ) và TikTok (Trung Quốc) cũng sẽ bị phạt khoảng 1,2 triệu USD vì vi phạm quy định về mạng xã hội. Quy định có hiệu lực từ ngày 1-10 này yêu cầu các nền tảng mạng xã hội có hơn 1 triệu người dùng phải chỉ định một đại diện địa phương ở Thổ Nhĩ Kỳ, nếu không sẽ đối mặt các hình phạt.

Hàng loạt vụ kiện

Seznam, nền tảng tìm kiếm trực tuyến lớn nhất ở Cộng hòa Czech, hôm 10-12 yêu cầu Google bồi thường khoảng 416 triệu USD với cáo buộc lạm dụng sự thống trị đối với hệ điều hành Android và kho ứng dụng tại thị trường Cộng hòa Czech. Cùng ngày, nhà phát triển cửa hàng ứng dụng nổi tiếng một thời Cydia (Mỹ) cũng cáo buộc Apple độc quyền bất hợp pháp các kênh phân phối phần mềm của hệ điều hành iOS. Nhà sản xuất iPhone đã nhiều lần vướng phải cáo buộc độc quyền trên kho ứng dụng App Store.

Hồi tháng 8, Epic Games (Mỹ), công ty sản xuất trò chơi điện tử Fortnite, cũng đệ đơn kiện Apple lũng đoạn thị trường ứng dụng và chèn ép các đối thủ. Epic Games cáo buộc Apple xóa Fortnite khỏi kho ứng dụng của mình một cách bất hợp pháp chỉ vì Epic Games muốn sử dụng hệ thống thanh toán của riêng mình thay vì của Apple để tránh khoản phí hoa hồng 30%. Vụ kiện có thể được đưa ra xét xử vào tháng 5-2021.

Theo CafeBiz