không rửa sạch trái cây, rau củ trước khi ép, cho nguyên liệu vào các loại máy ép trái cây không đúng cách, chỉ ép mỗi trái cây không có rau củ… còn có những sai lầm nào bạn đang mắc phải khi làm nước ép trái cây nữa? xem ngay bài viết bên dưới nào!

Không rửa hoặc rửa không sạch các loại trái cây, rau củ

Rửa rau củ quả sạch hơn dưới vòi nước chảy mạnh

Thuốc trừ sâu, chất bảo quản, bụi bẩn luôn hình thành một lớp mỏng xung quanh trái cây, rau củ bạn ăn hằng ngày. Để loại bỏ các lớp này trên thực phẩm của bạn, hãy rửa chúng dưới vòi nước chảy mạnh. Bạn cần chà mạnh tay với những trái cây, rau của có lớp vỏ ngoài cứng, với rau quả vỏ mềm thì nên chà nhẹ để tránh làm chúng bị bầm, dập.

Bạn cũng có thể dùng công thức rửa rau củ quả tươi đơn giản là pha 1 ít giấm ăn hoặc rượu táo, thêm chút muối biển mịn hòa cùng nước hoặc dùng nước rửa rau quả được bán ở ngoài các cửa hàng, siêu thị để làm sạch trái cây, rau củ quả.

Chỉ làm nước ép trái cây mà không cho thêm rau củ

Bạn có biết có khoảng 14,8 gr đường trong mỗi 100 gram xoài, 13,3 gr đường cho mỗi 100 gr táo. Mặc dù trái cây có chứa đường tự nhiên tốt cho sức khỏe nhưng nếu bạn kháng insulin hay bị bệnh tiểu đường thì uống nước ép trái cây mỗi ngày có thể là một điều tồi tệ đấy.

Để khắc phục điều này, các chuyên gia khuyên bạn nên kết hợp ép trái cây với các loại rau màu xanh có thể là 1, 2 hoặc nhiều loại trở lên nó giúp nước ép trái cây của bạn nhiều dưỡng chất hơn và quan trọng là ít đường.

Cho nguyên liệu vào các loại máy ép trái cây không đúng cách

Máy ép vắt ly tâm nên xen kẽ ép cà rốt với táo, thực phẩm ít nước và nhiều nước với nhau để máy hoạt động tốt, nước ép ngon, bổ hơn

Máy ép trái cây về cơ bản trên thị trường có 2 loại là loại ép trục vít tốc độ thấp và loại ép vắt ly tâm. Với máy ép trục vít tốc độ thấp, khi ép các loại rau có lượng chất xơ cao như rau bina thường bị tắc nghẽn nếu bạn cho quá nhiều rau vào ép cùng một lúc. Để khắc phục bạn cần giảm lượng rau bina hoặc xen kẽ ép vừa rau vừa các loại thực phẩm cứng như cà rốt, dưa leo và nhớ cắt nhỏ rau trước khi ép để ép nhanh, tiện và vệ sinh dễ dàng.

Với máy ép vắt ly tâm, nếu bạn ép số lượng lớn cùng một lúc các loại thực phẩm có hàm lượng nước thấp như cà rốt thì nó có thể sẽ bị văng ra khỏi máy khi ép. Bạn nên xen kẽ ép cà rốt cùng với một loại rau hoặc quả nhiều nước như xà lách hoặc táo. Khi làm sạch máy cũng đơn giản hơn.

Không uống ngay sau khi làm xong nước ép

Để tiêu thụ triệt để các loại vitamin, dưỡng chất có trong thực phẩm tươi, bạn cần uống nước ép từ thực phẩm tươi ngay sau khi ép. Nếu để nó ngoài không khí quá lâu, các enzyme, chất phytochemical và tất cả những dưỡng chất tốt sẽ bị ôxy hóa hoặc bị giảm. Các chuyên gia khuyến cáo nên uống trong vòng 15 phút sau khi ép là thời gian lý tưởng nhất để bạn tiêu thụ đầy đủ chất dinh dưỡng có trong nước ép của mình.

Không rửa sạch máy ép trái cây sau khi sử dụng

Luôn rửa máy ép trái cây ngay sau khi sử dụng, không để quá lâu vì các bã thực phẩm có thể bị khô và bám dính vào các bộ phận, làm sạch rất khó khăn sau đó.

Dù máy có tính năng tự làm sạch thì nếu để lâu không rửa, các bã này vẫn khó vệ sinh như thường, bạn nên làm sạch ngay khi dùng xong là tốt nhất. Nếu không có thời gian, hãy ngâm các bộ phận trong nước, những bộ phận không gắn với thân máy, động cơ để bã thực phẩm không khô lại, khi rửa máy ép sẽ nhẹ nhàng hơn.

Bạn làm nước ép trái cây, rau củ có thường mắc các sai lầm trên không, sửa ngay bạn nhé. Chia sẻ thêm kinh nghiệm làm nước ép cũng như sử dụng máy ép trái cây hiệu quả hơn, hãy gửi ý kiến cho chúng tôi.

Theo VnExpress